Sáng 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
680.000 tỉ đồng cải cách tiền lương
Theo báo cáo, năm 2023, tốc độ tăng GDP đạt 5,05%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Đáng chú ý, tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7-2024. Con số này cao hơn 560.000 tỉ đồng mà Chính phủ báo cáo cuối năm 2023.
Trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỉ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỉ USD, tăng 4,5%; trong đó vốn đăng ký mới đạt 7,11 tỉ USD, tăng 73,2%.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỉ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.
Phó Thủ tướng nêu 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp triển khai trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường hợp tác công tư. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kéo dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; chấn chỉnh và hướng tới chấm dứt tình trạng sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới liên kết vùng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... Tiếp tục miễn, giảm lãi suất; giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều hành tỉ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra. Quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng.
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới quản lý công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, thực sự là công bộc của nhân dân; triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7-2024.
Đề nghị thanh tra công tác phát triển nhà ở xã hội
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng.
Bên cạnh đó, do khó khăn, con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn con số gia nhập và tái gia nhập thị trường. Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Thu ngân sách chưa bền vững. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Thị trường bất động sản (BĐS) có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội, tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân. Xét ở khía cạnh hiệu quả KT-XH, cơ quan thẩm tra cho rằng tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ). Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhận định người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở khiến khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội thời gian qua; xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực và xử lý nghiêm.
Hôm nay (21-5), QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Cuối buổi chiều, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH sẽ trình QH danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch nước.
Ông Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội
Chiều 20-5, 475/475 (100%) đại biểu QH tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực QH, làm Chủ tịch QH nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau khi tuyên thệ, phát biểu trước toàn thể QH và đồng bào cử tri cả nước, tân Chủ tịch QH khẳng định đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của ông trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nguyện cống hiến hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ông hứa sẽ cùng QH, tập thể UBTVQH, các cơ quan của QH và các đại biểu QH tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại của QH cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; phát huy dân chủ, đoàn kết, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang; tiến sĩ kinh tế. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội.
Chống tham nhũng không ngừng nghỉ
Trình bày ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người dân tin tưởng Đảng, Nhà nước "không ngừng, không nghỉ" trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này. Cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời giải quyết để một số cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thôi đảm nhiệm trọng trách được giao.
Bình luận (0)