UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp liên quan và cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch trên địa bàn ký kết tham gia việc giảm nhựa và ra mắt mô hình check-in "Du lịch giảm nhựa".
Lợi thế và thách thức
Đây là một trong chuỗi hoạt động của địa phương nhằm phát triển du lịch bền vững thông qua việc thúc đẩy thực hành giảm phát thải, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, để Côn Đảo trở thành địa phương văn minh, phát triển bền vững và hài hòa với thiên nhiên.
Côn Đảo được xem là điểm đến hấp dẫn và là một trong các khu du lịch quốc gia được xác định trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030. Nơi đây có Vườn Quốc gia Côn Đảo - khu bảo tồn biển lớn thứ hai cả nước với đặc tính đa dạng sinh học cao, được công nhận là khu ramsar thứ 6 của Việt Nam, có nhiều loại động vật trong Sách Đỏ và là nơi rùa quý hiếm thường vào đẻ trứng. Quần đảo Côn Sơn gồm 16 đảo lớn nhỏ, có thảm thực vật phong phú với độ che phủ 80%...
Những năm qua, Côn Đảo không chỉ được biết đến qua các hoạt động du lịch tâm linh. Một loại hình du lịch khác cũng được đông đảo du khách yêu thích là trải nghiệm, khám phá, như: lặn biển ngắm san hô, xem rùa đẻ trứng, đi bộ trong rừng nguyên sinh…, nhất là với người nước ngoài và giới trẻ.
Anh Phan Anh Tuấn, du khách đến từ Hà Nội, cho biết dù vé máy bay và các chi phí tour Côn Đảo không rẻ nhưng nơi đây luôn là lựa chọn hàng đầu của anh và nhóm bạn muốn du lịch trải nghiệm, gần gũi thiên nhiên, tái tạo năng lượng sau những ngày làm việc căng thẳng.
"Đến Côn Đảo, chúng tôi như hòa mình vào biển và rừng. Các bãi biển ở đây chưa bị con người tác động nhiều. Chúng tôi được xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển; được đi bộ hàng giờ trong rừng nguyên sinh, ngắm động thực vật phong phú; được trải nghiệm những thứ mà nơi khác không có" - anh Tuấn đánh giá.
Theo ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, dù có rất nhiều lợi thế nhưng địa phương cũng đối mặt không ít thách thức về môi trường, ảnh hưởng đến quá trình phát triển du lịch bền vững. Do đó, việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu và hài hòa với hệ sinh thái đặc trưng là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền Côn Đảo.
Lựa chọn hàng đầu
Theo các chuyên gia, du lịch xanh đang là xu hướng của du khách trong và ngoài nước. Đây là loại hình du lịch đặt sự tập trung vào việc bảo tồn cảnh quan và bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và giảm phát thải nhựa…
Để phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh là lựa chọn hàng đầu. Du lịch xanh giúp các địa phương phát triển mà không làm tổn thương đến tài nguyên, môi trường. Trong hành trình trải nghiệm, khám phá, du khách đề cao ý thức bảo vệ môi trường và gìn giữ nét đẹp văn hóa của các địa phương điểm đến.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, tôn tạo cảnh quan, di tích. Vì vậy, trong đề án phát triển Côn Đảo tầm nhìn đến năm 2045, địa phương nêu rõ quan điểm làm du lịch phải bảo vệ những giá trị biển đảo, giá trị đa dạng sinh học hiếm có nhằm bảo đảm sự bền vững; phát huy các nguồn tài nguyên lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học đặc sắc, độc đáo...
Để thực hiện thành công định hướng phát triển du lịch bền vững, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra nhiều kế hoạch. Tinh thần là tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường, không phá vỡ cảnh quan, không phát triển du lịch bằng mọi giá.
Không chỉ Côn Đảo, các địa phương khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu như huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ, TP Vũng Tàu… cũng chú trọng phát triển các loại hình du lịch ít xâm hại môi trường.
Theo Sở Du lịch, từ nay đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chú trọng phát triển 7 loại hình du lịch chủ yếu, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp du lịch hội nghị, hội thảo gắn với các khách sạn, resort cao cấp; du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, Khu Bảo tổn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu; du lịch văn hóa - lịch sử gắn với di tích đã được xếp hạng; du lịch gắn với hoạt động thể dục thể thao; du lịch gắn với hoạt động vui chơi giải trí; du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhấn mạnh xu thế phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với địa phương.
Kỳ vọng những bước đột phá
Những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định du lịch là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của địa phương. Hướng đi cho ngành du lịch của tỉnh là phát triển gắn với bảo tồn, ưu tiên thu hút những dự án thân thiện môi trường. "Du lịch xanh" là từ khóa được tỉnh lựa chọn và áp dụng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, phát triển du lịch xanh là hướng đi phù hợp. Song song với du lịch biển và du lịch nghỉ dưỡng, Bà Rịa - Vũng Tàu cần tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị sản xuất nông nghiệp, sản phẩm OCOP để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch xanh, kỳ vọng Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các địa phương khác sẽ có những bước đột phá.
Bình luận (0)