xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thương mãi mùa đông

Vân Cúc Hà

Dễ gì quên được mùa đông! Nỗi nhớ mùa đông cứ theo tôi cùng năm tháng, nhất là khi những cơn gió bấc theo về, những loài chim rủ nhau thiên di tránh rét, ký ức xưa lại hiển hiện trong tôi...

- Lạnh lắm hả em?

- Dạ. Mưa lạnh chị à. Em đang trùm chăn đây.

Gọi điện cho tôi, chị chếch camera điện thoại trên tay về phía chiếc quạt:

- Trong này nóng, chị vẫn dùng quạt đều. Thèm thế!

- Giá mà san sẻ được cho nhau thì tuyệt vời chị nhỉ!

...

Chị im lặng. Tôi biết chị đang nhớ nhà, nhớ về mùa đông ngày xưa ấy.

Còn tôi, tôi đã từng chán ghét mùa đông.

Làm sao không ghét được mùa đông khi ngoài trời buốt giá, lũ trẻ chúng tôi chân đất bấm đường trơn đến trường. Tê dại chân vì cóng, chẳng còn cảm giác gì. Tôi ghét mùa đông vì nó gợi nhắc đến cái áo bông đã cũ mèm, bạc màu, sờn cùi tay mà tôi được thừa kế từ bao ông anh, bà chị. Tôi ghét màu môi thâm, tê tái lẫn hơi thở như luồng khói của lũ trẻ, trong đó có tôi. Tôi ghét thời tiết rất lạ của mùa đông. Có khi nắng rất to nhưng nhiệt độ vẫn thấp, ngồi trong nhà lạnh thấu xương mà ra phơi nắng thì nẻ toác cả má lẫn chân, tay. Và tôi ghét nhất cái màu trời đùng đục, xám ngắt màu chì trong những ngày mưa phùn ướt át, ẩm thấp rồi ghét lây luôn cả cây rơm đã bị rút lõm xung quanh, trơ như một cái nấm.

Thương mãi mùa đông- Ảnh 1.

Dễ gì quên được mùa đông! (Ảnh minh họa từ Internet)

Mùa đông trong tôi một thời như thế, nó ám ảnh cái nghèo đói, giá rét vào tuổi thơ. Nỗi nhớ mùa đông là những chiều đi học về hai hàm răng va vào nhau lập cập vì lạnh và đói. Căn bếp của bà khi đó như một thiên đường với tôi. Bàn tay ấm áp, bà kéo tôi vào ngồi trong bếp, miệng luôn xuýt xoa vì thương đứa cháu bé nhỏ. Tôi hơ tay lên ngọn lửa bập bùng, bà cời trong than đỏ ra một củ khoai vùi đã chín, phồng lên một lớp vỏ đen tuyền. Miếng khoai già, bở tan trong miệng chưa thấy ngon đã hết, chỉ thấy ấm áp mãi trong lòng.

Tối đến, ngồi học dưới ngọn đèn dầu. Rét cứ bủa vây và muỗi cứ rình rập.

Có những điều ghét nên nhớ rất lâu. Hồi bé nghĩ ghét vậy thôi nhưng khi lớn lên, nhất là lúc xa nhà, lại thương mùa đông đến thế. Dễ gì quên được mùa đông! Nỗi nhớ mùa đông cứ theo tôi cùng năm tháng, nhất là khi những cơn gió bấc theo về, những loài chim rủ nhau thiên di tránh rét, ký ức xưa lại hiển hiện trong tôi.

Những đứa trẻ tuổi tôi, mùa đông là mùa nhiều việc. Sáng đi học, chiều chúng tôi ra đồng cùng bố, mẹ cuốc đất ải, trồng rau, trồng khoai. Hết đau tay lại đến đau vai. Cái đòn gánh trên vai oằn xuống bởi hai đầu là những thùng nước hằng ngày gánh để tưới cây. Đau rồi cũng quen. Con nhà nông là thế.

Mùa đông gợi cho tôi nỗi nhớ những chiếc chăn bông nặng trịch. Bà nội mua từ bao giờ tôi không biết nữa nhưng mỗi năm, bà lại thuê người ở làng Sắc bật lại cho bông tơi, xốp. Bông từ thiên nhiên ấm áp, ấp ủ chúng tôi trong giấc ngủ mùa đông cùng với ổ rơm thơm êm, bồng bềnh. Người quê sống với cây cỏ, ăn, ngủ cũng làm bạn với cỏ cây. Thời ông bà tôi là thế, chỉ mãi sau này ổ rơm được thay bằng đệm, chăn cũng là loại chăn len, chăn lông, nhẹ mà ấm.

Nghe tôi kể chuyện ngoài này, chị bảo: "Em làm cho chị nhớ nhà lắm đó. Tự nhiên lại ước được nằm trên chiếc giường tre lót ổ rơm, cuộn tròn trong chiếc chăn bông con công mà nghe tiếng mưa rơi đều đều trên tàu chuối sau nhà!".

Tiếng mưa rơi đều đều ấy như nhịp thời gian, đã trôi đi chẳng bao giờ trở lại mà vẫn vọng mãi trong chị, trong tôi nỗi nhớ thương về một mùa đông cũ chẳng bao giờ nguôi ngoai.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo