Trong khi đó, tỉ giá liên ngân hàng cũng đang trong xu hướng tăng từ đầu năm đến nay. Diễn biến này khá đặc biệt bởi quý I thường là giai đoạn nguồn cung ngoại tệ dồi dào, do đó cần phân tích, lý giải để tìm ra giải pháp điều hành phù hợp.
Bên cạnh tác động từ tình hình thế giới, một trong những nguyên nhân nội tại đẩy giá tiền đồng đi xuống là tình hình kinh tế trong nước chưa thực sự khởi sắc, dù hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang có tín hiệu tốt. Bên cạnh đó, cơn sốt giá vàng trong nước và thế giới là những lực đẩy mạnh lên tỉ giá khi nó kích hoạt tâm lý sợ bỏ lỡ trong người dân, kéo theo nhu cầu đầu cơ vàng tăng đột biến.
Tỉ giá biến động có thể ảnh hưởng đến lạm phát, nhất là lạm phát nhập khẩu, vì hàng hóa nhập khẩu trả bằng ngoại tệ có giá quy đổi đắt hơn. Chưa kể, yếu tố lạm phát tại những quốc gia có quan hệ thương mại sâu sắc với Việt Nam cũng sẽ đi vào giá hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam.
Trong thời gian tới, diễn biến tỉ giá sẽ phụ thuộc lớn vào sự thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ và tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Liên quan chính sách tiền tệ của Mỹ, ngày 11-3, chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh của USD) là 102,69 điểm, giảm nhẹ so với mức 104 điểm vào cuối tháng 2-2024 song vẫn còn khá cao. Đáng chú ý, mức biến động của chỉ số DXY vẫn cao hơn biến động tỉ giá USD/VNĐ nên áp lực tăng tỉ giá vẫn còn, ít nhất là đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định hạ lãi suất. Tín hiệu tốt là theo dữ liệu được công bố vào cuối tuần trước, lạm phát của Mỹ đang được kiểm soát, có thể là cơ sở cho quyết định cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay.
Về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch hai chiều ước đạt 113,96 tỉ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là chỉ báo cho thấy xuất khẩu phục hồi nên nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cũng tăng trở lại. Diễn biến này sẽ tác động lên nền kinh tế nói chung, qua đó giúp triển vọng tăng trưởng lạc quan hơn và kéo sức mạnh của VNĐ tăng theo.
Về giải pháp lâu dài, cần tiếp tục cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô bởi đây là nền tảng để ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam và hạn chế tâm lý lạm phát do tỉ giá và giá vàng đồng thời tăng nóng. Bên cạnh đó, một giải pháp cũng rất quan trọng để ổn định tỉ giá là kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại hối, tăng cường ngăn chặn đầu cơ USD, nhập lậu vàng để kìm giữ giá USD trên thị trường tự do ở mức cho phép. Giải pháp phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được sử dụng trong một số thời điểm tỉ giá tăng nóng gần đây cũng là một phương án hợp lý và hiệu quả.
Hiện nay, giá USD ở trong và ngoài hệ thống tuy có tăng song vẫn chưa ở mức báo động. Việc cần làm là không để tỉ giá diễn biến theo hướng bất lợi nhằm tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hạn chế tác động lên lạm phát.
Hoài Dương ghi
Bình luận (0)