Ngày 19-3, tại Hội nghị khoa học ghép thận, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thế Cường, Trưởng Khoa thận - lọc máu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 2002, đến nay có 1.804 bệnh nhân được ghép thận tại bệnh viện này.
Trong đó, 67% bệnh nhân ghép thận là nam, 37% là nữ. Tỉ lệ sống sau ghép 5 năm đạt trên 98,9%, còn 10 năm là 95,7%, tương đương các nước phát triển.
Tỉ lệ ghép tăng dần qua các năm, chủ yếu là từ người cho sống, còn từ người cho chết não là hơn 170 ca. Trong đó, 67% bệnh nhân ghép thận là nam, nữ chiếm 37%. Tỷ lệ sống sau ghép 5 năm đạt trên 98,9%, còn 10 năm là 95,7%.
Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết đến nay, bệnh viện đã tiến hành ghép thận thường quy với khoảng 100 ca mỗi năm. Bệnh viện đã và đang chuyển giao kỹ thuật ghép thận và ghép các tạng khác cho nhiều bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh.
"Một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận 3 lần một tuần, cuộc sống gần như gắn liền với bệnh viện. Tuy nhiên, nếu được ghép thận, bệnh nhân sống tốt, quay trở lại lao động bình thường"- ông Hùng đánh giá.
Tại hội nghị, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đã thực hiện thành công các ca ghép tạng trong đó có ghép thận từ người cho chết não và đang đẩy mạnh số người đăng ký hiến ghép tạng sau khi qua đời.
Bộ Y tế đã phê duyệt 23 cơ sở y tế ghép tạng, cả tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các kỹ thuật trong ghép tạng với kết quả đã ghép được 6 bộ phận cơ thể người, gồm: Thận, gan, phổi, tim, tụy, chi thể.
Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn như nguồn tạng hiến, chi phí ghép và điều trị dài ngày sau đó cho bệnh nhân… Những khó khăn đó, Bộ Y tế đã ghi nhận để tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới.
Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác theo hướng sửa đổi một số nội dung thuận lợi hơn cho vận động hiến tạng.
Bình luận (0)