Ngày 18-12, lãnh đạo UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết sau khi nắm thông tin tiệm bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, TP Hội An) mở cửa trở lại vào hôm qua, 17-12, cơ quan chức năng đã kiểm tra, yêu cầu chấp hành nghiêm quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong ngày 18-12, tiệm bánh mì Phượng đã đóng cửa.
"Việc tiệm bánh mì Phượng mở cửa trở lại khi chưa hết thời gian đình chỉ là không được phép" - lãnh đạo TP Hội An khẳng định.
Trước đó, trả lời báo chí về việc mở cửa bán trở lại hôm 17-12, chủ tiệm bánh mì Phượng nói rằng mở bán… thăm dò.
Lãnh đạo UBND TP Hội An cũng xác nhận TAND TP Hội An đang thụ lý một số đơn của thực khách khởi kiện chủ tiệm bánh mì Phượng. Nguyên đơn khởi kiện tiệm bánh mì Phượng là những người bị ngộ độc thực phẩm sau khi thưởng thức món bánh mì nổi tiếng Hội An này vào giữa đầu tháng 9-2023. Những người này được xác định là khách du lịch đến từ Hà Nội.
Ngoài ra, có thông tin cho biết một số khách người Trung Quốc đã ủy quyền cho luật sư người Việt làm đơn khởi kiện tiệm bánh mì Phượng, cũng vì lý do gây ra ngộ độc, làm ảnh hưởng sức khỏe cũng như chuyến du lịch của họ.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong các ngày 13 và 14-9, sau khi ăn bánh mì mua tại tiệm Phượng, hàng trăm người, trong đó có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện.
Ngày 3-10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh bánh mì Phượng 96 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh trong thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm nhận được quyết định xử phạt.
Như vậy, đến đầu tháng 1-2024, quyết định đình chỉ hoạt động mới hết hiệu lực.
Theo quyết định xử phạt, tiệm bánh mì Phượng có tổng cộng 5 hành vi vi phạm.
Hành vi 1, thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước.
Hành vi 2, thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn.
Hành vi 3, không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
Hành vi 4, vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống (khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác; các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh; trang thiết bị dụng cụ bảo quản chưa được vệ sinh).
Hành vi 5, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, có 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng vào ngày 11 và 12-9.
Tiệm bánh mì Phượng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm (tự nguyện đóng cửa kinh doanh vào ngày 13-9 sau khi nghe thông tin về ngộ độc); tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (gia đình đã đến các bệnh viện, cơ sở y tế để thăm hỏi và chịu chi phí điều trị cho bệnh nhân, có biên lai chi trả viện phí).
Hộ kinh doanh vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính.
Bình luận (0)