Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Riêng tại TP HCM, quy mô thị trường sản phẩm có giá trị tín chỉ carbon rất lớn. Doanh nghiệp (DN) TP HCM có nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội để tham gia thị trường này.
Thị trường tiềm năng
Vấn đề đặt ra là các DN cần tiếp tục xây dựng giải pháp, lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như đổi mới công nghệ, hướng tới một nền sản xuất xanh, bền vững; từ đó tạo ra lượng tín chỉ carbon để sẵn sàng giao dịch, tìm kiếm lợi nhuận.
Trao đổi tại buổi Cà phê Doanh nhân HUBA (Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM) với chủ đề "Tín chỉ carbon: Ai bán, ai mua" tổ chức cuối tuần qua, TS Nguyễn Phương Nam - chuyên gia đánh giá về kiểm kê khí nhà kính của Liên Hiệp Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA - cho biết thị trường tín chỉ carbon thế giới sôi động trong vài năm trở lại đây.
Đến nay, nhiều DN quan tâm đến việc mua bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có hạn ngạch phát thải khí nhà kính cụ thể cho từng DN nên DN chưa biết mình thuộc diện phải mua hay được bán tín chỉ carbon.
Theo các chuyên gia, thị trường carbon tạo cơ chế để các DN có thể giảm phát thải khí nhà kính linh hoạt, hiệu quả về kinh tế. Hiện nay, đa phần đối tượng quan tâm tín chỉ carbon là các tổ chức, cá nhân muốn tham gia thị trường và các đơn vị môi giới. Những DN sản xuất trực tiếp có nhu cầu tạo ra tín chỉ carbon một phần do thiếu thông tin, một phần do chưa có thị trường trong nước nên việc quan tâm đang dừng ở mức nâng cao nhận thức.
Theo kế hoạch lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức.
TS Nguyễn Phương Nam cho rằng trong khi chờ hoàn thiện khung pháp lý, ngay từ bây giờ, DN phải có sự chuẩn bị, tạo ra tín chỉ carbon và tham gia thị trường này. Theo ông, thế giới đã công nhận Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon, đặc biệt là từ rừng, nông nghiệp và năng lượng.
Rất nhiều DN Việt Nam cũng có tiềm năng giảm thải. Tuy nhiên, để có thể tạo ra tín chỉ carbon, đòi hỏi DN phải có tầm nhìn về vấn đề bền vững, sẵn lòng đầu tư vào công nghệ sạch, chuẩn bị tâm thế cho sự chuyển dịch trong hệ thống chuỗi cung ứng xanh và bền vững của hệ sinh thái kinh doanh. Kết quả tín chỉ carbon không phải một sớm một chiều có được, thời gian ít nhất phải từ 3 năm cùng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo DN.
Ông Nam phân tích: "Trước hết, DN bắt buộc phải đăng ký dự án của mình với cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). DN phải đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính thông qua báo cáo của mình. DN phải tự bỏ tiền ra kiểm kê khí nhà kính và làm chính xác, minh bạch nhất có thể. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên ngành sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải cho DN. Theo kế hoạch sản xuất hằng năm sau khi phân bổ, DN sẽ tạo ra tín chỉ carbon trên cơ sở sản xuất của mình".
Chuẩn bị sẵn sàng
Hiện nay, 1.912 DN trong cả nước có lượng phát thải lớn, có nghĩa vụ phải kiểm kê lượng khí nhà kính và sẽ bị áp hạn ngạch giảm phát thải trong thời gian tới.
Riêng tại TP HCM, ông Cao Tung Sơn, Trưởng Phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở TN-MT, cho biết theo Quyết định 01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố có 140 DN phải kiểm kê khí nhà kính. Theo yêu cầu của Bộ TN-MT, TP HCM đã rà soát và bổ sung 131 DN phải thực hiện kiểm kê. Khi được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, căn cứ kế hoạch và kết quả sản xuất - kinh doanh hằng năm, các DN sẽ biết mình trong trường hợp phải mua hay được bán tín chỉ carbon.
Trong thời gian tới, Sở TN-MT TP HCM sẽ tổ chức tập huấn cách thức tổ chức kiểm kê khí nhà kính cho DN. Sở cũng sẽ tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ DN và mời các chuyên gia đến trao đổi những thông tin mới nhất về các quy định của pháp luật… nhằm giúp DN sẵn sàng tham gia giao dịch thị trường tín chỉ carbon.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy quy mô thị trường sản phẩm của thành phố có giá trị tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD. Trong đó, điển hình là những dự án trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, nâng cấp đèn LED, nâng cấp xe máy điện…
"HFIC có chức năng cho vay kích cầu đầu tư. Đối tượng vay được ngân sách hỗ trợ 50%-100% lãi vay, hạn mức vay tối đa là 200 tỉ đồng/dự án, trong đó có một số lĩnh vực chuyển đổi xanh. Nếu DN có dự án lĩnh vực xanh thì liên hệ HFIC để chúng tôi xem xét đưa vào chương trình hỗ trợ" - ông Thanh khuyến khích.
Cần hành lang pháp lý
Theo ông Tô Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam, nước ta có nhiều tiềm năng để thương mại hóa các tín chỉ carbon. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có sàn giao dịch và những quy định về thị trường này.
Ông Sơn cho biết Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định về phát thải khí nhà kính nhưng chưa quy định cụ thể về thị trường carbon. Các văn bản dưới luật như Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon cũng chỉ đề cập việc thí điểm thị trường carbon từ năm 2025. Việc thiếu các quy định cụ thể đã dẫn đến nhiều rào cản khi triển khai thị trường carbon.
H.Xuân
Bình luận (0)