Bến Tre và Bình Định là 2 địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất nhì Việt Nam - Bến Tre hơn 79.000 ha, còn Bình Định hơn 9.300 ha. Ngoài giá trị kinh tế mang lại từ các sản phẩm, cây dừa còn có tiềm năng khai thác tín chỉ carbon, thu tiền tỉ về cho người trồng.
Cây trồng chủ lực của địa phương
Bình Định được xem là "thủ phủ" dừa của miền Trung. Trong đó, cây dừa phân bố tập trung nhiều nhất ở thị xã Hoài Nhơn (3.050 ha), huyện Phù Mỹ (3.000 ha), huyện Hoài Ân (1.950 ha), huyện Phù Cát (1.530 ha)...
Dừa được trồng bạt ngàn ở Hoài Nhơn, đi đâu cũng thấy, nhiều nhất là tại các phường Tam Quan, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc. Hầu hết dừa ở nơi này đều được trồng từ trước năm 1975. Bom đạn tàn phá lớp này thì người dân lại trồng lớp khác thay vào, cứ thế diện tích dừa được duy trì cho đến nay.
Dừa ở Hoài Nhơn chủ yếu là để trái già, lấy cơm làm nguyên liệu chế biến những sản phẩm như dầu dừa, kẹo dừa, mứt dừa, bánh tráng nước dừa… Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho biết trên địa bàn hiện có hàng chục hộ gia đình, cơ sở, doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm từ dừa, như: chỉ xơ dừa, mụn cám dừa, phân vi sinh, dầu dừa tinh khiết, dầu dừa thủ công, thảm xơ dừa, bánh kẹo dừa, chổi cọng dừa, lưới xơ dừa...
Tại Bình Định, nhiều người dân ngày càng khấm khá nhờ dừa và những phế phẩm từ dừa. Đều đặn hằng tháng, những kiện hàng cước dừa và cám dừa... được xuất đi Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, thậm chí cả châu Âu. Ngoài ra, nước dừa làm thức uống cũng cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết theo đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dừa là cây trồng chủ lực với diện tích 10.000 ha, năng suất 122 tạ/ha, sản lượng 117.730 tấn. Trong đó, diện tích dừa lấy dầu là 6.450 ha, chiếm 64,5% và dừa uống nước 3.550 ha, chiếm 35,5%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với diện tích vườn dừa gần 9.400 ha, mỗi năm người dân tỉnh Bình Định có thể kiếm thêm hàng chục tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon. Trong khi đó, tỉnh Bến Tre có diện tích vườn dừa gấp 8 lần Bình Định - trên 79.000 ha. Ước tính trung bình 1 ha dừa ở Bến Tre có thể lưu giữ 25 - 75 tấn CO2. Với giá bán tín chỉ carbon thấp nhất là 5 USD/tấn CO2 như hiện nay, Bến Tre có thể thu về 10 - 30 triệu USD từ cây dừa.
Khai thác tiềm năng sẵn có
Ông Trần Văn Phúc cho biết Bình Định đang hợp tác với doanh nghiệp bắt đầu triển khai việc lập tín chỉ carbon đối với diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên trên địa bàn, sau đó mới đến các loại cây trồng khác, bao gồm dừa.
Theo các chuyên gia, muốn tham gia thị trường carbon, người dân (hoặc thuê đơn vị có chức năng) phải đo được hiện trạng ban đầu diện tích dừa hấp thụ bao nhiêu carbon trong tự nhiên; thải ra bao nhiêu khí gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động liên quan như bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, đốt lá dừa, xơ dừa, phế phẩm…
Trong quá trình thực hiện, người dân phải ghi chép nhật ký thực hành giảm carbon. Bên cạnh đó, đặt máy đo tại vườn dừa để đo thông số môi trường nhằm xác định lượng carbon hấp thụ, thải ra.
Số tín chỉ thu được là lượng carbon chênh lệch sau khi thực hiện dự án so với hiện trạng ban đầu trên mỗi hecta dừa/năm. Trong quá trình thực hiện sẽ có đơn vị phụ trách đo lượng carbon hấp thụ, phát thải ra môi trường; có công ty thẩm định và cấp tín chỉ carbon cho dự án. Khi có tín chỉ mới tham gia được thị trường mua bán.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, UBND tỉnh Bến Tre vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng tham gia thị trường carbon. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp với các ngành liên quan đánh giá tiềm năng carbon trên địa bàn nhằm xác định tiềm năng tín chỉ carbon; chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tỉnh tham gia thị trường carbon theo lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường.
Từ năm 2024 đến 2026, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện một số nội dung: Đánh giá, xác định tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, xây dựng, năng lượng, chất thải. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng tín chỉ carbon ở Bến Tre trong các lĩnh vực, tập trung vào cây dừa, rừng ngập mặn ven biển, năng lượng tái tạo, chăn nuôi. Đồng thời, thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý, cơ sở phát thải khí trên địa bàn về việc tham gia thị trường carbon.
Ngoài diện tích dừa, Bến Tre còn có khoảng 25.000 ha vườn cây ăn trái và gần 7.000 ha rừng ngập mặn. Đây là những diện tích có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Ở Bến Tre, cây cối xanh tốt quanh năm và không có mùa rụng lá, thay lá nên hiệu quả hấp thụ carbon tương đối cao.
Trong xu thế phát triển bền vững và giảm lượng khí thải carbon hiện nay, thị trường tín chỉ carbon đang hấp dẫn ngành nông nghiệp nói chung và các vùng chuyên canh dừa ở Việt Nam nói riêng.
Năm 2023, Việt Nam lần đầu bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2), thu về khoảng 51,5 triệu USD (1.250 tỉ đồng). Việc hình thành, phát triển thị trường carbon vừa thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vừa mang lại nguồn lợi tài chính rất lớn cho đất nước.
Bình luận (0)