Theo các chuyên gia, ung thư vú xuất phát từ sự biến đổi của tế bào tuyến vú, tạo thành khối u có thể xâm lấn tại chỗ và di căn đến các cơ quan khác, với các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, di truyền, tiền sử bệnh và lối sống.
Thống kê của thế giới cho thấy số ca mắc ung thư vú đang gia tăng đáng kể và ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm tỉ lệ 28,9% tổng số ca ung thư ở nữ giới. Đây được được xem là loại ung thư có tỉ lệ sống còn cao (lên đến hơn 90%) nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu.
Việc tầm soát ung thư được thực hiện bằng các phương pháp như khám lâm sàng, siêu âm màu tuyến vú, chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú) hoặc MRI với thuốc cản từ thế hệ mới giúp bác sĩ phát hiện, sàng lọc và đánh giá chính xác những tổn thương ở tuyến vú. Bên cạnh đó, bác sĩ còn sử dụng phương pháp sinh thiết khối u để có chẩn đoán mô học, bao gồm: sinh thiết mở, FNA, sinh thiết u có định vị kim, corebiopsy dưới hướng dẫn siêu âm…
Tại hội thảo, với đề tài "Tiếp cận mới trong chẩn đoán và điều trị u vú", BS chuyên khoa I Phạm Cao Thành, Khoa Ung bướu - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, giới thiệu một tiến bộ của y khoa hiện đại, bên cạnh các phương pháp sinh thiết thông thường.
Đó là sự ra đời của hệ thống sinh thiết vú có hỗ trợ chân không (Vaccuum Assites Breast Biopsy - VABB). Kỹ thuật này có ưu điểm lấy được nhiều mẫu mô hơn chỉ với một lần đâm kim với kết quả chẩn đoán đáng tin cậy. Đồng thời, giúp nhanh chóng lấy trọn các tổn thương chỉ trong một thủ thuật duy nhất với sẹo mổ khoảng 6 mm…
Bình luận (0)