Hội nghị "Triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành di sản văn hóa TP HCM năm 2025", do Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) TP HCM tổ chức, diễn ra ngày 17-1.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Hoa - Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thạnh, cho biết nhà cổ Vương Hồng Sển, nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh. Theo quyết định 54 ngày 17-2-2003 và quyết định số 40 ngày 5-8-2003, Ủy Ban Nhân dân (UBND) TP HCM đã xác lập quyền sở hữu với nhà cổ Vương Hồng Sển thời điểm đó.
Tuy nhiên, kể từ khi xác lập quyền sở hữu đến nay, UBND TP HCM không bàn giao di tích này cho Sở VH TT cũng như cho quận Bình Thạnh trực tiếp quản lý do trong thời gian 20 năm qua, các đồng thừa kế của ông Vương Hồng Sển liên tục khiếu kiện và Tòa án nhân dân TP HCM cũng đã thụ lý.
"Vừa rồi, các đồng thừa kế đã rút đơn. Trong 20 năm qua, các đồng thừa kế ở trong nhà cổ này cũng đã cho một số hộ bên ngoài vào thuê. Một số hộ trong số đó đã xây cất trái phép. Năm 2015, UBND quận cũng có biên bản xử phạt hành chính về xây dựng trái phép, buộc tháo dỡ mái che sau nhà cổ… Ngày 23-8-2023 và ngày 2-9-2024, UBND quận Bình Thạnh ban hành hai quyết định buộc khắc phục tình trạng ban đầu và cưỡng chế thực hiện khắc phục hậu quả, giao cho UBND phường 14 thực hiện cưỡng chế. Sau quyết định của UBND quận Bình Thạnh, UBND phường 14 cũng đã thực hiện các bước tiến hành cưỡng chế theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, việc thực hiện cưỡng chế vướng pháp lý. Trong đó, kinh phí để thực hiện cưỡng chế, không tính nhân công, chỉ tính chi phí thuê phương tiện tháo dỡ số tiền lên đến 285.453.000 đồng. Theo quy định pháp luật, kinh phí này phải tiến hành đấu thầu" - ông Phạm Văn Hoa thông tin.
Ông Hoa nói thêm rằng thời gian đấu thầu 45 ngày, trong thời gian đấu thầu phải cấp kinh phí cho UBND phường tổ chức đấu thầu. Thời điểm cuối năm 2024, quận Bình Thạnh cũng đang thực hiện theo Nghị quyết Quốc hội tiến hành xác nhập phường. Phường 14 sáp nhập với phường 24, thành một phường, có hiệu lực từ 1-1-2025. Việc nhập phường vất vả, khó khăn, lãnh đạo phường cũng thay đổi nhiều.
Trong năm 2024, phường chưa thực hiện đấu thầu, nguồn kinh phí từ năm 2024 được chuyển sang 2025 và hiện đang chờ quận cấp lại phần kinh phí đó. Sau khi cấp kinh phí, phường sẽ tiến hành đấu thầu rồi tiến hành cưỡng chế theo quy định.
Tại hội nghị, việc trùng tu di tích khảo cổ Lò Gốm Hưng Lợi cũng được đưa ra báo cáo tiến độ. Ngoài ra, kết quả hoạt động quản lý Di sản văn hóa năm 2024 cũng đã được báo cáo tóm tắt trong hội nghị. Tính đến nay, 12.517 lượt khách là người dân TP HCM đã được miễn phí vé tham quan tại các bảo tàng công lập trực thuộc Sở VHTT gồm: Bảo tàng Lịch sử Thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố.
Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã thống nhất đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét đưa "Nghệ thuật Lân Sư Rồng" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hướng dẫn Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi lập hồ sơ di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi để đề nghị UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới…
Các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 gồm: Hướng dẫn khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới; Xây dựng Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa TP HCM; Thực hiện đề tài: "Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của đình ở TP HCM" - giai đoạn 1; Tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định phí tham quan các bảo tàng thuộc Sở VHTT; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắt lệnh 65/SL về bảo tồn cổ tích và 20 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11.2005 - 23.11.2025); Tham mưu ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP…
Bình luận (0)