Đã kết hôn 5 năm nhưng vợ chồng chị Huỳnh Thị Thu Ngân, công nhân Công ty TNHH Gonze (KCX Tân Thuận, TP HCM) vẫn chưa tính đến chuyện có con dù năm nay chị đã 38 tuổi, còn chồng gần 50 tuổi. Dù người thân nhiều lần thúc giục, nhưng cuộc sống còn quá nhiều khó khăn nên 2 vợ chồng lưỡng lự.
Chị và chồng quen nhau từ trước dịch, anh chị quyết định chung sống với nhau đến khi nào ổn định thì mới đăng ký kết hôn và sinh con. Thế nhưng suốt 5 năm qua, công việc liên tục bị ảnh hưởng khiến kế hoạch tổ chức đám cưới và có con của anh chị bị hoãn vô thời hạn. Chị Ngân chia sẻ: "Đầu năm 2024, chúng tôi đã đi đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức tiệc cưới còn chuyện có con, tôi chưa nghĩ tới bởi thu nhập không đủ sống"
Hiện mức thu nhập của chị Ngân khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chồng chị chuyên đi thu mua phế liệu, buôn bán lạc - xoong, công việc ngày càng khó khăn, thu nhập bấp bênh, khi có khi không. Vì vậy, mọi khoản chi trong gia đình, chị Ngân đều cáng đáng. Chỉ riêng khoản nhà trọ, điện, nước đã ngốn một nửa tiền lương của chị, 3 triệu đồng còn lại, hai vợ chồng chị dù có chi tiêu dè sẻn thì vẫn không đủ, có tháng phải vay mượn.
"Tôi cũng muốn có con nhưng thu nhập không đủ chi tiêu tối thiểu khiến tôi rất lo sẽ không lo nổi cho con. Mấy năm nay, gia đình liên tục hối thúc khiến tôi càng căng thẳng mỗi khi về quê. Hy vọng năm nay, công việc của chồng tôi bớt khó khăn thì chúng tôi sẽ tính đến chuyện con cái" - chị thở dài
Thu nhập thấp cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con thứ hai của vợ chồng chị Phạm Thị Nguyện (quê Vĩnh Long) dù con trai đầu đã 10 tuổi. Chị Nguyện đã có hơn 20 năm làm công nhân tại một công ty giày da ở quận 6, TP HCM, song thu nhập cũng chỉ ở mức đủ sống. Kể cả khi việc làm ổn định thì lương cũng chỉ đạt khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng, gói ghém vừa đủ lo chi phí sinh hoạt và tiền học phí cho con. Chồng chị Nguyện là lao động tự do, vì vậy, nguồn thu từ công việc bảo trì thang máy khá bấp bênh.
"Thu nhập gần như không có tích lũy, vừa lĩnh lương xoay qua xoay lại đã hết sạch, thi thoảng phải vay mượn thêm để xoay xở, nặng lo nhất hiện tại là chi phí học tập của con. Vì vậy, dù nội, ngoại 2 bên nhiều lần thúc giục sinh thêm đứa nữa để con có anh có em, song vợ chồng tôi không dám nghĩ đến, bởi nếu thêm một miệng ăn thì cuộc sống càng thêm chật vật" - chị Nguyện nói.
Tháng 8-2023, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã công bố một khảo sát được thực hiện tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và TP HCM với khoảng 3.000 người lao động.
Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Chỉ có 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định sinh con của 72,0% người lao động. Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% người lao động chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi...
Bình luận (0)