Mười sáu tuổi, giọng hát của cô bé trong trẻo như màu lục dễ thương của những mầm cây mới nhú. Cô bé như muốn vỡ tung ra trong cảm giác nghẹt thở của lần đầu tiên đứng trước những hàng ghế đầy kín người. Một chuỗi nhạc đệm sinh động được nhả ra từ những ngón tay lướt trên phím đàn của các nhạc công nâng lời hát của cô bé bay vào vòm mái của nhà hát ở trên cao.
Tiếng ồn lan nhanh khắp nhà hát khi Thi Lựu hát đến phần điệp khúc của bài hát. Âm thanh của việc nhai thổi kẹo cao su hòa với tiếng rì rầm trò chuyện, tiếng trẻ con chạy đi chạy lại giữa các dãy ghế. Trên sân khấu, Thi Lựu cảm thấy mình đang rơi từ một đỉnh cao nào đó. Các nhạc công lặng lẽ nhìn nhau rồi tăng thêm độ vang vào những nốt nhạc. Khi bài hát kết thúc và cô bé cúi người chào khán thính giả thì tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng huýt sáo chói tai đã tràn ngập nhà hát.
Cô bé luống cuống chạy vào cánh gà bên trái với gương mặt đỏ bừng vì lo lắng và xấu hổ. Nhưng tất cả cảm xúc ấy đã nhường chỗ cho một nỗi sợ hãi nhanh chóng ập đến với cô bé. Đứng trong cánh gà, với nét mặt lạnh lùng giận dữ là người bố của Thi Lựu cùng giọng nói đáng sợ của ông:
- Nếu việc này xảy ra thêm lần nữa thì con đừng cho rằng bố là người quá nghiêm khắc. Về nhà ngay!
Khoảng không bình yên của con đường dẫn ra ngoại ô thị xã vỡ ròn trong tiếng guốc của Thi Lựu chạy gấp gáp với những giọt nước mắt đuổi nhau tràn ra trên má. Vượt qua chiếc cầu, cô bé chạy vào ngôi nhà ấm sáng nằm dưới khóm tre cao và dày ở phía Đông của làng. Ngả người vào lòng bà cụ Nhim với những tiếng khóc nức nở, nước mắt của Thi Lựu nhanh chóng làm ướt hai vạt áo của bà.
- Bà ơi, không ai muốn nghe cháu hát và bố cháu tới...
- Không ai trong nhà hát tối nay không biết cháu của bà hát rất hay đấy thôi.
Bao bọc cô bé trong ánh mắt hiền hậu, đôi bàn tay âu yếm vuốt tóc cô cháu gái, bà cụ Nhim thấy lại những ngày tháng cô bé Thi Lựu đang thiếp dần đi trong lòng bà khi bố mẹ nó gửi gắm cho bà lúc còn ẵm ngửa với lý do thuộc về những bận rộn bất tận trên con đường tiến thân của họ. Phía bên này sông, cô bé lớn lên trên cánh đồng và khóm tre xanh cùng các trò chơi của đám trẻ con trong làng.
Thỉnh thoảng, cô bé bước vào ngôi nhà cao rộng của bố mẹ mình, nhìn ngắm những thứ tiện nghi được đem về từ các thành phố Á, Âu. Trong những lần dạo chơi đó, cô bé luôn có cảm giác về sự vẫy gọi từ làn khói bếp của bà cụ Nhim đang tỏa đều trên mái rạ. Trở về bên kia sông, bao giờ Thi Lựu cũng gặp ánh mắt của bà cụ đang mỉm cười biểu lộ rằng cô là điều quan trọng nhất mà bà để tâm. Mãi mãi cô bé biết ơn bà về điều đó.
***
Vầng mặt trời của buổi sáng mùa hạ làm mảnh sân trước nhà bà cụ Nhim giống như một tấm voan hồng thật lớn. Ngồi trong mái hiên, Thi Lựu cắm cúi đẩy những mũi kim trên lớp lá nón trắng óng và khe khẽ cất tiếng hát. Trong giây lát, tiếng hát của cô bé vút cao. Cơn gió đang lùa vào bờ tre trước ngõ im sững lại. Trong bếp, bà cụ nhấc ấm nước đang sôi trên bếp xuống rồi cầm nắm lá nón vừa được ủi đi lên nhà. Nắm lá nón phẳng phiu, mượt mà trong tay bà rơi lòa xòa xuống nền nhà làm bằng đất nện sạch bong khi giọng hát của Thi Lựu chạm tới làn da nâu sáng trên gương mặt của bà.
Hình ảnh của một con chim non đang tập hót giữa cánh rừng tĩnh lặng và tươi sáng mà đã có lần bà bắt gặp trong những buổi kiếm củi nơi đầu nguồn con sông làng thoáng hiện trong ý nghĩ. Thi Lựu ngẩng lên, cô bé nhoẻn cười bẽn lẽn với cái lúm đồng tiền bên má còn đọng khúc nhạc về làng quê vừa ngưng trên làn môi.
"Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung"... Tiếng hát của Thi Lựu phủ kín ngôi nhà của bà cụ Nhim. Giữa đám trẻ con trong làng, đầu đội vòng hoa được kết từ những bông cỏ dại trên cánh đồng, Thi Lựu và những bài hát của tuổi thơ khiến lòng người nghe lâng lâng cảm giác những gì thuộc về dòng sông uốn khúc qua làng, của đất đai và cỏ cây như trỗi dậy với những bình minh tươi mới hay những buổi chiều xanh thắm trong giọng hát của cô bé.
Chiếc ô tô sang trọng của bố mẹ Thi Lựu dừng trước ngõ nhà bà cụ Nhim mang đến một cảm giác bất yên trên da thịt.
- Con có thể hát để làm bà vui, hát với các bạn của con ở đây. Nhưng đừng bao giờ nghĩ đến việc con bước lên sân khấu. Bố không cho phép.
Người bố nói bằng một giọng hết mực nghiêm khắc. Người bố cho con gái biết cũng vì có giọng hát làm say đắm lòng người mà mẹ của ông ngày trước đã bỏ cha con ông mà đi.
- Bố sẵn sàng đem cả thế giới này về cho con nhưng thế giới đó không được có sân khấu. Đó là điều con phải tuyệt đối tuân thủ và bố sẽ không bao giờ tha thứ nếu con ca hát trên sân khấu.
***
Có tiếng sột soạt ở một góc nhà. Một con chim đang đổi chỗ trong chiếc lồng bằng tre treo trên song cửa. Ban sáng, khi ngồi trong một hiệu ảnh bên phố đợi người thợ ảnh phục chế tấm ảnh thờ của ông cụ, bà nghe tiếng hót của nhiều loài chim trong cửa tiệm bên cạnh tạo thành chuỗi âm thanh sinh động giữa không khí xôn xao, nóng rẫy của thị xã trong cái nắng dội lửa của tháng hè.
Đứng trước chiếc lồng có con chim mình thon nhỏ, mảnh mai với đôi chân cao, bộ lông có một màu đen tuyền ở lưng và đuôi, màu đỏ ở ngực và bụng, người chủ tiệm than phiền với một người khách về việc lâu nay con chim không chịu hót. Không một người khách nào muốn mua nó và mỗi khi nhìn thấy dáng vẻ quý giá của nó, ông chủ tiệm luôn có cảm giác không vui. Mấy phút sau, ông chủ tiệm cùng người khách quay sang những con chim khác và họ nhanh chóng có được niềm hứng thú cần thiết.
Nghiêng chiếc nón trong một bàn tay, bà cụ Nhim quạt khẽ. Bất chợt, bà nghe trong không khí nóng bức có tiếng của những giọt nước đang rơi từ tầng trời. Bên những ồn ào của thị xã, bà có thể phân biệt được những âm thanh tí tách ấy giữa rất nhiều tiếng chim hót trong cửa tiệm là của con chim nọ. Cái đuôi dài đen tuyền của nó đang nhấp nhô trong một điệu múa uyển chuyển, nhẹ nhàng. Và, trước ánh mắt ngạc nhiên khủng khiếp của người chủ tiệm, bà hỏi mua con chim.
- Có một nơi tôi muốn đưa em đến, nơi tôi có thể dẫn đường cho em và nghe em nói về giấc mơ em đang có.
Thi Lựu mơ hồ nghe giọng nói âm vang và rất khoan thai của người con trai trong huyền thoại về dòng sông chảy qua làng. Theo bước chân của tuổi hai mươi vĩnh hằng của người con trai ấy, cô bé đi dọc con đường cạnh dòng sông. Nơi dòng sông được bắt đầu là hai hốc đá hình bán nguyệt trên sườn cao của rặng núi sừng sững. Thương mẹ già đang kiệt sức giữa mùa hạn hán cơ hồ không bao giờ chấm dứt, người con trai thuở xưa xuyên núi băng rừng tìm nước và đã ngã xuống trên triền núi ấy.
Trong nỗi tuyệt vọng đau đớn và tình yêu đối với mẹ, người con trai bật khóc và anh đã khóc hết ngày dài này qua đêm thâu khác. Qua bảy ngày dài và bảy đêm thâu như thế, giữa một ban mai đang lên trịnh trọng trên núi, từ đôi mắt người con trai ấy, dòng nước mắt chan hòa thành dòng sông xuôi chảy về làng, ra biển.
Với mái tóc tung bay trong gió sớm, Thi Lựu ngước nhìn đỉnh núi nơi thượng nguồn con sông vừa thức giấc trong buổi bình minh xao xuyến trên những tàng thông già lặng lẽ nhả hương nồng đượm và cô bé thấy những giọt sương sáng trong rơi chếch từ vô vàn chiếc lá hình kim đang nhẹ nhàng đung đưa. Đến trước hai hốc đá hình bán nguyệt, nhìn dòng nước mải miết trào phun dưới ánh mặt trời, Thi Lựu cảm thấy nôn nao với ước muốn có một phép mầu nào đó giúp cô thuyết phục bố tin rằng một giọng hát hay cũng có thể là ánh sáng soi đường cho cô đi vào cuộc đời. Xòe bàn tay như cánh hồng đón những giọt nước bắn ra từ đôi mắt của người con trai hiếu thảo, cô bé ngỡ mình có thể lọc ra từ nguồn nước huyền thoại ấy một tình cảm tha thiết khôn nguôi.
- Em hãy gắng đợi, một lát nữa thôi, em sẽ...
Giọng của người con trai vĩnh viễn thanh xuân như một làn thở nhẹ.
Ngay lập tức, tiếng nước phun từ hai hốc đá, dáng vẻ mềm mại của dòng sông và màu sắc bất tận của núi rừng nơi đây bỗng vang lên trong nỗi bồn chồn con trẻ của Thi Lựu.
Và cô bé cất tiếng hát.
Một giai điệu tha thiết vang lên giữa khu rừng, hòa với tiếng nước chảy róc rách từ hai tảng đá. Đôi mắt của người xưa nhìn Thi Lựu hát giữa rừng cây như một con chim nhỏ có tiếng hót là một báu vật của tự nhiên. Với những cung bậc du dương, cô bé khiến người con trai bất tử và núi rừng xung quanh bàng hoàng. Tiếng hát ấy lan xa trong rừng cây, vọng vào vách núi, rơi trên mái chèo của con thuyền đang trôi theo dòng sông...
- Những ước mơ luôn có lý.
Giữa một quãng ngắt của Thi Lựu, giọng người con trai truyền tới cô bé niềm ngưỡng mộ trìu mến.
- Nhưng em không được hát như em mong muốn. Em không cần có lý…
Rời bàn tay khỏi một búp thông có màu lục non trẻ, Thi Lựu giận dữ hét lên.
- Tiếng hát của em sẽ chết nếu em không có phép mầu. Em cần có phép mầu...
***
Mơ hồ nghe tiếng rì rào của dòng sông, Thi Lựu tỉnh giấc trong hơi ấm tỏa ra từ lòng bà cụ Nhim. Một vầng hồng đã hiện ra nơi chân trời phía Đông và bỗng nhiên có tiếng chim hót lảnh lót khắp nhà. Trong ánh bình minh ửng đỏ, tiếng chim ngân từng hồi náo nức. Những chuỗi âm thanh long lanh rơi ngập bầu không khí trong lành và mát mẻ.
Sự tĩnh tâm nhanh chóng trở lại với Thi Lựu khi cô bé ngước mắt nhìn lên khung cửa sổ của ngôi nhà. Ở đó, trong chiếc lồng bằng tre, con chim lông đen có khoảng ngực đỏ rực như lửa đang say mê hót với chiếc đuôi dài nhấp nhô mềm mại.
Nguyễn Thị Bội Nhiên
Biên tập viên Bản tin Thông tin Y tế tỉnh Quảng Trị.
Có tác phẩm đăng trên Báo Nhân Dân, Báo Sức khỏe và Đời sống, Báo Người Lao Động, Báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Nhà văn, Tạp chí Cửa Việt...
Bình luận (0)