Thuốc đắng thì chóng khỏi bệnh, lời nói thẳng khó nghe nhưng bổ ích, chớ nóng giận, tự ái khi nghe lời nói thẳng". Về chữ nghĩa, trước hết ta cần khảo sát từ "dã" bởi cơn cớ gì lại xuất hiện trong trường hợp này?
Ca dao có câu: "Đậu xanh, rau muống, của chua/ Có tính dã thuốc chớ cho uống cùng", ta hiểu "dã" ở đây là làm cho phai, cho nhạt, cho giảm dần, tiêu tan cái chất gì đó đã hấp thụ quá nhiều trong cơ thể. Cái sự quá hớp này, có thể do người khác ép hay tự mình gây ra, nhất là quý ngài cùng hội cùng thuyền với Chí Phèo, một khi đã vào sòng nhậu là hồ hởi, phấn khởi "xả láng sáng về sớm". Hiểu theo nghĩa này, tương tự "Mai đình mộng ký" có câu: "Dã men vừa sánh giọng trà". Không chỉ "dã" trong cơ thể mà còn từ tâm trí, cảm giác, chẳng hạn câu thơ trong "Hoa tiên": "Giấc buồn chưa dã, mạch Tương lại đầy".
Tuy nhiên, ta hiểu sao về từ "dã" trong "Thiên Nam ngữ lục": "Đinh công thấy mặt ngùi ngùi/ Nghĩa thầy tớ cũ cùng ngồi dã nhau"? Xét theo các nghĩa vừa nêu, ắt ta thấy trật cù chìa; hoặc giả, tôi đồ rằng do viết sai chính tả, phải là "giã" mới hợp lý. Ta hãy xét từ "giã", tùy ngữ cảnh có thể hiểu là bỏ cái gì đó vào cối rồi dùng chày mà quết mà đâm, tỷ như: "Chàng về giã gạo ba trăng/ Để em gánh nước Cao Bằng về ngâm".
Lúc nàng Kiều quay trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình: "Giã sư, giã cảnh đều cùng bước ra" lại không thể hiểu như trên. Thử nghe lại ca khúc "Nỗi buồn hoa phượng" của nhạc sĩ Thanh Sơn: "Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi. Kỷ niệm mình xin nhớ mãi, buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc. Mối u hoài này ai có hay". Rõ ràng, lúc ấy nàng Kiều từ giã, giã biệt. Mà khi đọc câu ca dao: "Giã ơn cái cối cái chày/ Đêm khuya giã gạo có mày có ta", "giã" ở đầu câu có nghĩa là trả/ trả ơn.
Xét rằng, nếu "dã" trong câu "Đinh công thấy mặt ngùi ngùi/ Nghĩa thầy tớ cũ cùng ngồi dã nhau" đổi qua "giã" thì vẫn không nói lên điều gì cả. Vậy, dứt khoát phải là "dã". Vâng, chính xác thế, vì "dã" trong ngữ cảnh này có nghĩa là trò chuyện, chuyện trò, thăm hỏi nhau. Nếu "Giã sư, giã cảnh đều cùng bước ra" là cách nói tắt của giã biệt/ từ giã thì "Nghĩa thầy tớ cũ cùng ngồi dã nhau" cũng vậy, là nói gọn của từ "dã dề" mà ta đã gặp trong "Truyện Kiều": "Tiểu thư đón cửa dã dề, Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa".
Trở lại với câu "Thuốc đắng dã tật", còn có gì bàn nữa không? Đã rõ nghĩa rồi, vì như đã nói "dã" trong trường hợp này là làm cho phai, cho nhạt, cho giảm dần, cụ thể là nhờ "thuốc đắng". Hiểu như vậy hợp lý quá đi chứ? Tuy nhiên, nếu nói đúng phải là "Thuốc đắng đã tật". Nghe lạ tai nhỉ? Ngoài các nghĩa như chỉ việc đã qua, đã xong; còn là "Tiếng dùng đứng sau câu để truyền khiến hay bảo nhau đừng là việc khác vội: khoan đã, ăn đã" - theo "Việt Nam tự điển" (1931)..., vậy, còn hàm nghĩa gì nữa?
Ta hãy xét từ thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh khiêm: "Bếp trà hâm đã, xôi măng trúc/ Nương cỏ cây thôi, vãi hạt muồng". Xét theo phép đối xứng trong luật thơ thất ngôn ắt "đã" và "thôi" phải đối nhau và cả hai cùng nghĩa là xong, rồi, hết. Lại nữa, ta còn tìm thấy trong tục ngữ "Đau chóng đã chầy", "Khó muốn giàu, đau muốn đã" thì "đã" hàm nghĩa là khỏi. Khi ai đó bảo: "Chà, đang cháy khô họng, được uống ly trà đá này thiệt đã khát", là hết khát, không còn khát nữa. Từ "đã" trong câu "Thuốc đắng đã tật" cũng hiểu tương tự.
Tại sao từ "đã" lại nhảy cái vèo qua "dã", đơn giản nghĩa vừa nêu trên về từ "đã" ít ai còn nhớ đến, người ta bèn lái sang "dã". Trải dài theo năm tháng, từ "dã" đã được mọi ngưới chấp nhận mà quên béng đi từ "đã" đã có trước đó. Qua đó, ta thấy cái sự lắt léo của tiếng Việt còn là lúc người ta chấp nhận từ khác nhằm thay thế cho từ vốn có, dẫu rằng chưa chắc đã sát nghĩa.
Bình luận (0)