Các cú hạ cánh nghiêng ngả đang gây rắc rối cho một loạt tàu vũ trụ gần đây như tàu Mặt Trăng SLIM của Nhật Bản hay Odysseus, dường như cũng "ám" cả chiến binh săn sự sống Ingenuity trên Sao Hỏa.
Ingenuity là tàu thăm dò dạng trực thăng nhỏ, đổ bộ cùng chiếc rover Perseverance lên Sao Hỏa vào tháng 2-2021.
Ingenuity là "thám tử" dẫn đường của Perseverance, chậm chạp, to lớn và mang nhiều thiết bị khoa học. Sau khi kết thúc sứ mệnh ngoài kỳ vọng của Ingenuity vào cuối tháng 1 năm nay, NASA vẫn không thôi tìm kiếm nguyên nhân "kẻ bất tử" này bất ngờ ngưng hoạt động.
Trước đó, NASA cho rằng một cánh quạt bị hỏng - tiết lộ qua bức ảnh mà tàu này tự chụp bóng của mình trên mặt đất - là nguyên nhân khiến nó gặp sự cố.
Có thể tàu đã rơi tự do ở độ cao khoảng 1 m khi hạ cánh. Với cánh quạt hỏng, nó không thể bay được nữa.
Tuy vậy, bức ảnh mới do tàu Perseverance gửi về Trái Đất sau hành trình đi tìm bạn đồng hành cho thấy tình hình còn thảm hại hơn, theo Space.com.
Trong ảnh, dễ thấy Ingenuity đã mất hoàn toàn 1 trong 4 cánh quạt.
NASA cho biết kịch bản khả dĩ nhất là do khu vực mà trực thăng này hạ cánh lần cuối cùng toàn là cát, thiếu đá, điều sẽ khiến Ingenuity gặp rắc rối khi định hướng.
Khả năng lớn nhất là nó đã không nhận diện đầy đủ bề mặt khi hạ cánh. Một số quyết định sai lầm của con robot nhỏ bé khiến nó gần như ngã theo phương nghiêng xuống bề mặt Sao Hỏa, các cánh quạt chém hẳn xuống đất, vì vậy gãy một cánh, cánh còn lại cũng sứt mẻ.
Cho dù đó là một tin buồn, Ingenuity đã chứng minh sức mạnh ngoài kỳ vọng của mình, khi hoạt động tận 2 năm trên Sao Hỏa, trong khi ban đầu người ta chỉ kỳ vọng nó hoạt động tốt trong 30 ngày.
Perseverance hiện nay hoạt động lẻ loi ở khu vực Jezero Crater - nơi từng là một hồ nước lớn và đồng bằng sông màu mỡ - nhưng vẫn sẽ tận dụng được di sản của Ingenuity trong hành trình tìm kiếm sự sống.
Hiện trên Sao Hỏa cũng có một tàu đổ bộ khác của NASA đang hoạt động là Curiosity, cũng là robot dạng rover như Perseverance. Curiosity đổ bộ tháng 11-2011, sứ mệnh chính kéo dài 2 năm đã được NASA "gia hạn" thành vô thời hạn.
Bình luận (0)