Thiếu và yếu toàn diện
Sáng tác, tác phẩm gắn liền với lý luận phê bình, tạo nên những diễn đàn phát triển tích cực cho đời sống văn hóa nghệ thuật gần như chỉ còn là “chuyện của ngày hôm qua”
Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vừa có đợt tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tại tỉnh Đồng Nai cho các hội chuyên ngành Trung ương, cơ quan quản lý, báo chí, cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của các tỉnh, thành phía Nam, miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Ngoài những kiến thức phổ quát về lý luận phê bình, các chuyên gia, văn nghệ sĩ đã cùng chia sẻ góc nhìn, tạo tiếng nói đa chiều và cũng “phác họa bộ mặt” của lý luận phê bình hiện nay trên một số bình diện nghệ thuật.
Hỗn loạn
“Chúng ta cứ háo hức nhìn về phương Tây và tự cho đó là kiểu mẫu, là chuẩn mực cần thiết cho sự phát triển, văn minh, hiện đại nhưng không biết rằng có những giá trị không phù hợp với văn hóa dân tộc; du nhập nhưng chưa tiếp thu, thẩm thấu được các giá trị văn hóa mang tính đồng bộ của nước ngoài, thành quả của văn hóa nghệ thuật chưa được phát huy” - GS Mai Quốc Liên, Ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nói. PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, dẫn lời GS Phong Lê thay cho nhận xét: “Chính vào lúc phê bình thiếu tính chuyên nghiệp nhất thì đời sống sáng tác lại bộn bề nhất”. Nói theo TS Nguyễn Thị Minh Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Lý luận Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một khi phát triển theo chiều hướng tự phát, manh mún, dễ dãi thì nguy cơ đảo lộn các giá trị, lệch chuẩn, mất chuẩn là có thật.
Những sáng tạo có giá trị đúng nghĩa ngày càng lùi xa theo hào quang của quá khứ, thay vào đó, thảm họa V-pop ngày càng nhiều, sân khấu khai thác đề tài dễ dãi, điện ảnh cũng chỉ chăm chăm vào mục đích doanh thu… “Đời sống âm nhạc trên các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây còn phiến diện, hời hợt”; “phim ảnh cứ co cụm ở thị trường trong nước, không có tính khu vực, quốc tế”, “sáng tác văn học không có lý tưởng, chạy theo cái dung tục, não tình”, “không có sáng tạo đỉnh cao thì phê bình làm sao”… Đó là những ưu tư của nhiều người trong giới khi đề cập những lĩnh vực nổi trội nhất của văn hóa nghệ thuật.
Nhạc Việt bùng nổ thảm họa nhưng chưa thấy vai trò của lý luận phê bình.
Trong ảnh: Phương My - một trong những giọng ca gây nên thảm họa nhạc Việt. Ảnh: CÚM FOTO
Sáng tác, tác phẩm gắn liền với lý luận phê bình, tạo nên những diễn đàn phát triển tích cực cho đời sống văn hóa nghệ thuật giờ đây gần như chỉ còn là “chuyện của ngày hôm qua”. Trước thực tiễn đời sống hôm nay, hoạt động lý luận phê bình đang bị cho là “trong tình trạng hỗn loạn, không bao quát được tình hình sáng tác, lệch lạc những thước đo giá trị”.
Lạc hậu về nhiều mặt
Ngay từ phát biểu đề dẫn, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh đã nhấn mạnh: “Hoạt động lý luận phê bình hiện nay lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được những vấn đề của đời sống; thiếu một hệ thống, tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả, tác phẩm; xuất hiện lối phê bình cảm tính, văn hóa phê bình bị hạ thấp”.
“Bộ mặt” của hoạt động lý luận phê bình cũng được nhận diện rõ hơn thông qua góc nhìn của các chuyên gia, nhà lý luận phê bình ở từng lĩnh vực. “Người già không cập nhật được vấn đề hôm nay, còn người trẻ không có kiến thức lý luận phê bình” - GS Mai Quốc Liên nói thẳng. Thật vậy, lâu nay, cái gọi là lý luận phê bình gần như hoàn toàn thiếu vắng. “Một thời hoàng kim của sân khấu những năm 1960 đến 1980, tác phẩm sân khấu luôn có sự đồng hành của những cây bút lý luận phê bình. Điều này cũng góp phần làm nên thành tựu cho một nền sân khấu. Còn bây giờ, bao nhiêu kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc rồi đều vắng bóng đội ngũ này” - NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nói.
Không có đội ngũ kế thừa
Nhận diện được những thực trạng của hoạt động lý luận phê bình nhưng để tìm được giải pháp khả thi đưa lý luận phê bình trở lại với đời sống sáng tác hiện nay không phải là vấn đề một sớm một chiều.
Nhiều lĩnh vực bị bỏ quên Các lĩnh vực nghệ thuật vốn được xem là sôi động còn bị bỏ quên, huống hồ gì lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, vốn dĩ lâu nay “bị quy hoạch” trong dòng chảy trầm. Lý luận phê bình ở các lĩnh vực này gần như bỏ ngỏ. Nhà nghiên cứu, lý luận phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Huy Hoàng cho biết hiện Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có khoảng 800 hội viên nhưng chỉ có 6 người là mang danh nhà nghiên cứu, lý luận phê bình. Ở lĩnh vực mỹ thuật, sách lý luận phê bình được thực hiện công phu nhưng số lượng in luôn thấp, cũng không có cơ hội đến được với số đông người đọc. |
Kỳ tới: Tìm lại chuẩn mực?
Bình luận (0)