Lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam 86 năm qua chưa có giai đoạn nào lại bùng nổ những thông tin sốc, sex như lúc này - một nhà báo đã thốt lên như thế khi mỗi ngày, mỗi giờ phải chứng kiến trên các trang báo mạng tràn lan những thông tin, hình ảnh kiểu người mẫu này lộ hàng, siêu sao kia “tụt” váy, “hot girl” nọ khoe mông, khoe ngực khủng; rồi tất tần tật chuyện đời tư của các sao...
Buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề được nhiều người quan tâm Xin đừng “Playboy hóa” báo chí, do Báo Thể Thao & Văn Hóa tổ chức vào hôm qua, 21-6, đúng dịp kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đã mổ xẻ thẳng thắn thực trạng này trên báo chí hiện nay.
“Eo, mông, đùi, ngực”- ưu tiên hàng đầu
Không phải đến thời điểm này chuyện “lá cải” trên các báo, chủ yếu là báo mạng, mới được đề cập nhưng qua buổi trao đổi quan điểm một cách nghiêm túc và cũng mang đầy bức xúc của chính độc giả - những người thụ hưởng văn hóa trên các phương tiện báo chí - mới gióng lên tiếng chuông báo động rằng những thông tin giật gân, câu khách được đăng tải nhan nhản trên báo mạng không còn đơn thuần là một kiểu mua vui, giải trí rẻ tiền mà đang dần dần ăn vào lối sống, làm lệch lạc nhận thức của một bộ phận giới trẻ và chính các trang báo cũng đang dần hạ thấp uy tín của mình và sự tôn trọng của độc giả.
Một trong số những trang báo mạng bị cho là “Playboy hóa”. Ảnh chụp giao diện trang báo mạng
Chỉ cần vài cú click chuột là đã có thể chiêm ngưỡng được “hàng khủng” từ khắp các trang báo mạng: Giadinh, 24h, Người Đưa Tin, Dân Việt... Chuyện của các “hot girl” chân dài, đề tài “eo, đùi, mông, ngực” cũng đang dần “thống trị” chuyên mục văn hóa, giải trí của những tờ báo điện tử có uy tín với những tiêu đề kiểu: Trang Trần nói về quần khiêu dâm; Hết quần khiêu dâm, Trang Trần nói về quần khiêu khích; “Tình nhân” Lam Trường cởi áo khoe thân thể gợi cảm; Nơi bé gái 8 tuổi trở thành đàn bà…
Những thông tin câu khách rẻ tiền trên các chuyên mục viết về nhân danh văn hóa nghệ thuật đang làm xấu bộ mặt báo chí chung. Có độc giả đã thốt lên: “Chuyện gì đang xảy ra với báo chí vậy? Chẳng lẽ văn hóa nghệ thuật trên báo chí bây giờ chỉ còn lại “mông to”, “ngực khủng” thôi sao?”.
“Playboy hóa” làm tăng lượng truy cập
Vì sao những thông tin sốc, sex thi nhau xuất hiện nhan nhản trên các trang báo mạng? Điều dễ hiểu là những thông tin này dễ thu hút người đọc, nhanh chóng làm tăng lượng truy cập. Càng có nhiều người truy cập càng thu hút được nhiều quảng cáo. Nên nhớ rằng doanh thu quảng cáo là nguồn sống của các tờ báo điện tử.
Theo nhà báo Phạm Thanh Hà (Phó trưởng Ban Báo Thời Nay - ấn phẩm của Báo Nhân Dân), người được mời tham gia trực tuyến: “… Tờ báo nào cũng cần có độc giả. Có thu hút lượng truy cập thì các báo mới phát triển thông tin theo thị hiếu số đông như vậy”.
“Suy cho cùng, “playboy hóa” vẫn là một hiện tượng kém văn hóa, trái thuần phong mỹ tục”- theo nhà báo Phạm Thanh Hà. Và theo như nhận định “hài hước cay đắng” của đạo diễn Lê Hoàng thì “sexy dễ thu hút độc giả nhưng chỉ thu hút mắt thôi, muốn thu hút bằng trí tuệ còn phải làm nhiều hơn thế. Và khi chất trí tuệ còn kém, người ta quan tâm đến thỏa mãn mắt”. |
Nhập nhòe đối tượng phục vụ
Một thái độ cần phải có PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết khi đọc một tờ tạp chí có một cái tên hoàn toàn Việt Nam, do một nhà xuất bản Việt Nam ấn hành, một người nguyên là phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM đã phải kêu lên: “Có thể gọi tạp chí này đích xác là Playboy Việt Nam”.
Theo bà, thực chất, ý kiến đó đã đặt ra một vấn đề của truyền thông trong thập niên đầu thế kỷ XXI với một thái độ phê phán rõ rệt. Vì vậy, chúng ta có thể khái quát nên thành một thái độ.
Nói đúng hơn, đây là thái độ cần phải được đặt ra một cách thường trực với báo chí hôm nay, nhất là sau thập niên đầu thế kỷ XXI. Có thể khái quát lên thành một thái độ cần phải có đối với báo giới Việt Nam trong bối cảnh này đó là “Tinh thần phản biện trong giới truyền thông ở Việt Nam”. |
Bình luận (0)