Thông tư số 86/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10-8. Thông tư có những điểm mới về điều kiện để trở thành DN ưu tiên (AEO), trong đó mở thêm nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu thủy sản. Nhiều quy định tại thông tư này đã nới lỏng các điều kiện cho DN xuất khẩu theo kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và một số hiệp hội khác về phương thức quản lý định mức sử dụng, định mức tiêu hao, tỉ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đối với loại hình nhập khẩu nguyên liệu để gia công hàng hóa.
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội nghị phổ biến các quy định tại Thông tư 86 cho các hiệp hội và DN. Theo bà Lê Thu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan, Thông tư 86 đưa điều kiện về tuân thủ pháp luật là điều kiện đầu tiên và quan trọng để DN được xét chế độ ưu tiên. Theo đó, thời hạn đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của DN được rút ngắn là 2 năm trở về trước thay vì 3 năm. Các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá việc tuân thủ này cũng chỉ còn 2 cơ quan (hải quan và thuế). Thời hạn DN được hưởng chế độ ưu tiên lần đầu là 36 tháng. Sau thời hạn này, Tổng cục Hải quan sẽ xem xét đánh giá lại, nếu DN vẫn đáp ứng đủ điều kiện, căn cứ vào mức độ tuân thủ pháp luật, sẽ tiếp tục được gia hạn từ 36 đến 60 tháng.
Trong thời hạn 2 năm, DN không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý về hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm; bị xử lý về hành vi trốn thuế, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; không có quá 3 lần bị cơ quan hải quan, cơ quan thuế xử lý hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn với mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền mỗi lần vượt quá 50 triệu đồng và không bị cơ quan hải quan xử lý hành chính về hành vi không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan trong kiểm tra hải quan.
Nhằm nới lỏng và tạo thêm cơ hội cho DN xuất khẩu được tham gia vào AEO, mức kim ngạch về xuất nhập khẩu đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Trước đây, Thông tư 63 và Thông tư 105/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành thay thế Thông tư 63 quy định mức kim ngạch là 350 triệu USD/năm đối với AEO loại 1 và 70 triệu USD/năm đối với AEO loại 2. Nay Thông tư 86 quy định mức kim ngạch đối với AEO loại 1 tối thiểu là 200 triệu USD/năm; AEO loại 2 tối thiểu là 50 triệu USD/năm; không xét kim ngạch đối với AEO loại 3 (DN công nghệ cao).
Theo bà Lê Thu, với mức kim ngạch đã được điều chỉnh này, dự kiến đến năm 2020, có gần 100 DN có thể được công nhận AEO. Số lượng này phù hợp với các điều kiện của cơ quan hải quan. Bên cạnh đó vẫn đáp ứng được yêu cầu là khuyến khích các DN vừa và nhỏ của Việt Nam, nhất là các DN xuất khẩu nông - thủy sản, dệt may, da giày.
Doanh nghiệp tự đối chiếu với các điều kiện quy định tại Thông tư 86, nếu đáp ứng đủ yêu cầu, có hồ sơ gửi Cục Kiểm tra sau thông quan để được thẩm định và công nhận là AEO. |
Bình luận (0)