Luật Doanh nghiệp (DN) đang bộc lộ nhiều bất cập, buộc phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Lơ mơ số liệu
Một trong những bất cập khi thực hiện Luật DN 2005 là khó quản lý được số liệu DN. Hệ thống đăng ký kinh doanh chỉ nắm được số liệu DN đăng ký, còn hoạt động ra sao, có bao nhiêu DN “ma”… đều không có đầu mối nắm bắt.
Bịt kẽ hở pháp luật
Để khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật DN, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp bịt kẽ hở, trong đó nhấn mạnh yếu tố quy định chặt chẽ, chi tiết đối với các trường hợp nợ thuế, chưa tuyên bố phá sản thì không được thành lập DN mới để làm “sạch” hồ sơ. Theo đó, điều 13 Luật DN đề xuất quy định không cho phép thành lập DN hoặc góp vốn mua cổ phần đối với các tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN nhưng không thực hiện thủ tục giải thể, phá sản trong thời gian quy định.
Cùng với sửa đổi điều khoản này, các chuyên gia cũng đề xuất phải song song sửa đổi các quy định về Luật Phá sản vì tốc độ phá sản DN hiện nay rất chậm do vướng quy định của pháp luật. Cả nước có 141.000 DN ngừng hoạt động nhưng mới có 500 DN làm thủ tục phá sản, đa số còn lại (chiếm 99,6%) không đăng ký, không thông báo với cơ quan thẩm quyền.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất sửa đổi điều 165 về xử lý vi phạm, trong đó bổ sung quy định DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, tòa án. Đáng lưu ý là trường hợp không báo cáo về hoạt động kinh doanh của DN trong năm với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh trong thời hạn quy định cũng bị thu hồi giấy phép. Đồng thời các thông tin về tình hình hoạt động cũng như vi phạm của DN sẽ được công bố công khai trên cổng thông tin đăng ký DN quốc gia.
Bình luận (0)