Tuy nhiên, liệu nhu cầu có bắt kịp nguồn cung?
Tháng 7 năm nay, Cơ quan Thực phẩm Singapore chính thức phê duyệt 16 loại côn trùng là thực phẩm. Nhiều nhà hàng tại đây đã bắt đầu phục vụ các món ăn có côn trùng là nguyên liệu. Mặc dù vậy, người dân vẫn dè dặt với các loại thực phẩm thay thế như côn trùng và thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Theo một nghiên cứu của Công ty Rakuten Insight (Nhật Bản) vào năm 2021, 59% số người được hỏi nói rằng sẽ không ăn thịt nhân tạo. Trong một cuộc khảo sát trên Instagram của đài Channel News Asia (Singapore) vào đầu năm nay, hơn 80% người tham gia không muốn nếm thử côn trùng.
Thực ra, ăn côn trùng đã tồn tại từ lâu trong nhiều cộng đồng trên thế giới. Hơn 10 năm trước, năm 2013, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) đã nhấn mạnh tiềm năng trở thành nguồn protein bền vững của côn trùng. Thế nhưng, trong mắt nhiều người, côn trùng vẫn là sâu bọ không vệ sinh. Trong khi đó, sự e dè đối với thịt nhân tạo xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm lo ngại về sức khỏe và an toàn.
Khái niệm về "tính tự nhiên" cũng ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn thực phẩm, khiến nhiều người do dự trước những loại thức ăn mà họ cho là chế biến quá nhiều hoặc xa rời phương thức nuôi trồng truyền thống. Tuy nhiên, với dự báo dân số thế giới sẽ đạt 10 tỉ người vào năm 2050, các hệ thống nông nghiệp hiện tại ngày càng khó đáp ứng nhu cầu thực phẩm mà không làm môi trường thêm suy thoái trầm trọng, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa lan tràn, biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị và dịch bệnh bùng phát.
Trước kịch bản đó, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khám phá các nguồn thực phẩm thay thế như tảo, côn trùng, thịt nuôi cấy… Chúng có thể được sản xuất tại chỗ, tiết kiệm tài nguyên, giảm phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài (chẳng hạn thời tiết) cũng như biến động của thị trường, đồng thời cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào.
Ví dụ, châu chấu chứa khoảng 60%-70% protein, tương đương hoặc thậm chí cao hơn thịt bò hay thịt gà mà lại gây tác động môi trường ít hơn rất nhiều. Hầu hết côn trùng đều giàu các dưỡng chất thiết yếu như axít amin, vitamin B12, sắt, kẽm, axít béo omega-3 và omega-6. Đáng chú ý, trong khi việc ăn quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có liên quan các bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư và béo phì thì các thực phẩm tương lai này, đặc biệt là protein từ thực vật, lành mạnh hơn mà không làm giảm hương vị hay giá trị dinh dưỡng.
Thách thức vẫn sẽ tồn tại, như thiếu hụt về quy định, giá bán cao và chưa dễ tiếp cận. Theo bà Kalpana Bhaskaran, Phó Giám đốc Trường Khoa học ứng dụng - Học viện Temasek (Singapore), đà tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thực phẩm sẽ cải thiện hương vị và kéo giảm giá bán các thực phẩm tương lai, giúp chúng hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Cũng cần vai trò của chính quyền trong việc thiết lập quy định vững chắc nhằm bảo đảm tiêu chuẩn cao về an toàn và chất lượng.
Bình luận (0)