. Chủ tịch UBND TP HCM PHAN VĂN MÃI:
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số
Chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP HCM và các đô thị trên toàn thế giới.
Về khía cạnh nội tại, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP HCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của TP HCM vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực.
Về xu hướng toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn.
Do đó, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP HCM đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Mục tiêu của thành phố là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.
Thành phố cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị.
. TS NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
Doanh nghiệp cần sớm hành động
Để tăng tốc cho chuyển đổi xanh, doanh nghiệp (DN) cần chủ động tìm hiểu về chính sách chuyển đổi xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm và dịch vụ. Vừa qua có chuyện một KCN có rất nhiều sáng kiến nhưng lại không được ủng hộ bởi các quy định của pháp luật hiện tại.
Bản thân DN cần thực hiện và thực hành báo cáo thực hành ESG đầy đủ; phải đổi mới công nghệ và công nghệ mới để sản phẩm có ít "dấu chân carbon" nhất có thể, giảm phát thải carbon ra môi trường. Quan trọng là khơi gợi các cơ chế tài chính xanh để giải quyết bài toán tài chính cho khâu khởi sự khi chuyển đổi xanh. Cần nâng cao nhận thức và tạo thị trường cung cầu, khi kích hoạt được cầu tiêu dùng mới tạo được động lực cho DN sản xuất bền vững.
Để hướng tới mục tiêu "net zero", DN cần có quy trình kiểm soát lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần cập nhật thông tin kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện các chiến lược chính sách chuyển đổi xanh; hoàn thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng...
. Ông ĐÀO XUÂN ĐỨC, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP HCM:
Rất cần chính sách hỗ trợ
TP HCM đã có nghị quyết của Thành ủy và Nghị quyết của UBND thành phố về phát triển các KCX-KCN, đặc biệt về việc tái cấu trúc hoạt động của các KCX-KCN. Điều này nhằm đạt mục tiêu xây dựng các KCN mới, hiện đại theo xu hướng của thế giới trên cơ sở thực tế là một số KCX-KCN như Tân Thuận, Linh Trung… đã hoạt động trên 30 năm.
Khi tiến hành tái cấu trúc, DN bắt buộc phải chuyển đổi theo hướng bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, KCN sinh thái. Việc chuyển đổi này cũng là yêu cầu bắt buộc để phù hợp xu hướng chung do Việt Nam đã cam kết sẽ đạt "net zero" vào năm 2050. Quan trọng hơn, nhà nhập khẩu một số ngành đòi hòi DN phải có chứng chỉ xanh; DN muốn bán được hàng phải nỗ lực chuyển đổi để giảm thải carbon, bảo đảm môi trường tốt hơn, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất…
Tại các KCX-KCN, các DN nước ngoài như Intel, Unilever… đã định hướng chuyển đổi rất rõ. Còn DN Việt Nam, chỉ các DN liên quan đến xuất khẩu mới nhận thức và từng bước xây dựng để phù hợp với yêu cầu nhà nhập khẩu. Trong khi nhóm DN làm ăn ở thị trường nội địa, một số cũng đã nhận thức được vấn đề nhưng tùy điều kiện tài chính, nguồn lực… mà có mức độ đầu tư cho chuyển đổi công nghiệp còn khác nhau.
Hiện nay, thách thức lớn nhất của các DN trong quá trình chuyển đổi là vấn đề tài chính. DN muốn thay máy móc, thiết bị sang loại tốn ít nhiên liệu, sử dụng ít lao động hơn đều phải có tiền.
Vì vậy, rất cần các chính sách hỗ trợ vốn cho DN đầu tư chuyển đổi công nghệ, trong đó bao gồm chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM; các chính sách miễn, giảm, giãn thuế liên quan đến lĩnh vực công nghệ. DN cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương... để giúp DN tìm kiếm công nghệ phù hợp cho quá trình chuyển đổi này.
Cá nhân tôi kỳ vọng từ kinh nghiệm của các chuyên gia và DN lớn trên thế giới chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế năm 2024 sẽ giúp DN có hướng đi phù hợp, rút ngắn bước đường giảm phát thải carbon.
. Ông TERRY TRAN, Giám đốc Công ty Sunny Auto:
Logistics xanh để giảm chi phí cho doanh nghiệp
Xanh hóa hoạt động vận tải là một trong những yếu tố quan trọng của logistics xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và giúp giảm chi phí cho DN. Trong đó, thay thế phương tiện chạy bằng xăng, dầu sang phương tiện chạy bằng điện, nhiên liệu sinh học…
Đơn cử, xe tải điện phát ra ít hơn 54% khí CO2 trong suốt vòng đời sử dụng so với xe xăng; tiết kiệm tới 70%-80% chi phí nhiêu liệu so với xe xăng; giảm 30%-50% chi phí bảo dưỡng, không cần thay dầu…
Chi phí đầu tư ban đầu đối với phương tiện vận chuyển bằng điện có thể cao nhưng về lâu dài sẽ giảm vì điện rẻ hơn xăng; chi phí bảo trì thấp hơn vì xe điện thường 5 năm mới phải bảo dưỡng 1 lần.
Chi phí logistics của TP HCM và cả nước vốn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, khi DN chuyển đổi sang logistics xanh có thể góp phần giảm chi phí này. Bởi sau khi chuyển đổi sang logistics xanh, DN xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ việc giảm thuế carbon ở thị trường nhập khẩu và tạo ra các chứng chỉ carbon để bán thu tiền về.
. Bà LÊ THU THỦY, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank):
Thu hút vốn ngoại, thúc đẩy tài chính xanh
SeABank không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế để thu hút dòng vốn ngoại với tổng số tiền lên tới gần 850 triệu USD từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới. SeABank đặt mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong việc liên kết các khu vực công và khu vực tư nhân để tạo ra các cơ hội minh bạch và hấp dẫn cho thị trường, thúc đẩy các khoản đầu tư vào kinh tế xanh lam của Việt Nam.
Điều này sẽ giúp các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, có đủ nguồn vốn để phát triển và mở rộng, đặc biệt là DN liên quan đến các dự án xanh.
Chúng tôi đã triển khai tích hợp hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội vào quy trình tín dụng; ưu tiên vốn cho các dự án tín dụng xanh tập trung vào lĩnh vực năng lượng; cung cấp vốn giá rẻ cho khách hàng cá nhân mua nhà và sử dụng sản phẩm từ dự án xanh đồng thời triển khai nhiều hoạt động như trồng cây xanh, thu gom rác thải... góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Vietjet hợp tác tiến tới sử dụng nhiên liệu sạch
Hãng Hàng không Vietjet và Tập đoàn Kỹ thuật hàng không vũ trụ Honeywell (Mỹ) vừa trao thỏa thuận hợp tác trị giá 1,1 tỉ USD về cung cấp các thiết bị điện tử và dịch vụ kỹ thuật hàng không cho đội tàu bay của hãng. Theo đó, Honeywell sẽ cung cấp các thiết bị điện tử hàng không, dịch vụ về thiết bị điện, điện tử của bộ động cơ phụ trên đội tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo và các tàu bay thân hẹp mới của Vietjet. Đồng thời áp dụng các dịch vụ giám sát giảm thiểu phát thải và tiết kiệm nhiên liệu cho toàn bộ đội tàu bay của hãng.
Ông Đinh Việt Phương, Tổng Giám đốc Vietjet, cho biết hãng tiếp tục thúc đẩy nỗ lực tăng trưởng bền vững, chuyển đổi xanh với mục tiêu giảm thiểu khí thải, mở rộng mạng bay liên lục địa. Các công nghệ tiên tiến của Honeywell sẽ giúp hãng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của hành khách, mang tới thêm nhiều những chuyến bay tiện nghi, chất lượng, an toàn và thân thiện với môi trường, phát triển bền vững với các mục tiêu ESG.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-9
Bình luận (0)