xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm động lực mới để kinh tế TP HCM tăng trưởng (*): Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Thanh Nhân - Thái Phương

Phát triển bền vững, kinh tế xanh tiếp tục là chủ đề trọng tâm được Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2024 hướng tới

Thành phố xác định chuyển đổi công nghiệp là động lực mới cho tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới. Đây cũng là nền tảng để thành phố có thể đi xa hơn, đáp ứng được các đòi hỏi mới của thế giới, nâng tầm trong thị trường nội địa…

Hình thành hệ sinh thái chuyển đổi công nghiệp

Đặc biệt, TP HCM cũng đặt trọng tâm giảm phát thải để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS), hội nhập kinh tế quốc tế trước đây chủ yếu xoay quanh các hiệp định thương mại tự do, giảm thuế nhưng hội nhập hiện nay là tăng cường các tiêu chuẩn tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, kể cả vấn đề lao động. Tất cả đang đặt ra tiêu chuẩn phát triển mới mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như DN TP HCM không thể đứng ngoài cuộc.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS, chỉ ra các tiêu chí xanh dần trở thành rào cản kỹ thuật xuất khẩu hàng hóa; nếu DN không đáp ứng được những tiêu chí này sẽ mất thị trường. "Đây không còn là xu hướng, xu thế mà là những thách thức mà các DN phải đối mặt. Chúng ta phải đáp ứng được những tiêu chuẩn này mới có thể trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu" - ông An nhấn mạnh.

Từ thực tế này, trung ương đã có rất nhiều chủ trương về chuyển đổi. Chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi các nền tảng mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, thâm dụng vốn và năng lượng sang công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp. Các chủ trương về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4… vẫn đang trong quá trình triển khai. TP HCM có thuận lợi từ những chính sách đặc thù như Nghị quyết 98 của Quốc hội, Nghị quyết 31 của Trung ương, Nghị định 84 của Chính phủ… hỗ trợ thành phố thể chế hóa chủ trương này.

Tìm động lực mới để kinh tế TP HCM tăng trưởng (*): Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp TP HCM đã đưa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào các hoạt động sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và nâng cao thương hiệu ở thị trường nội địa. Trong ảnh: Xưởng sản xuất của Công ty CP Dược phẩm OPC. Ảnh: THANH NHÂN

Theo phân tích của HIDS, việc chuyển đổi không chỉ cần nguồn lực tài chính chung mà cần sử dụng vốn hiệu quả và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế. "Chuyển đổi công nghiệp với bối cảnh chung như ở trên, từ nội tại đến xu hướng chung, DN sẽ đáp ứng được các yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm ngành. Thành phố đã lựa chọn những ngành ưu tiên, ngành tiềm năng, nâng cấp chuỗi giá trị một số ngành truyền thống, phát triển các ngành mới thông qua ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo dư địa để tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới" - ông Phạm Bình An nói thêm.

TP HCM cũng đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2021 - 2030. Những định hướng và chính sách cũng đã được ban hành nhằm tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng. Trong đó, chuyển đổi công nghiệp là bước đi quan trọng hướng đến phát triển bền vững, với trọng tâm là giảm phát thải và bảo vệ môi trường, giúp TP HCM đạt được mục tiêu Net Zero - phát thải ròng bằng 0 - sớm hơn.

Cụ thể, quá trình chuyển đổi công nghiệp sẽ giúp các DN thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng lẫn đối tác; hướng đến phát triển bền vững, đạt cả mục tiêu kinh tế - xã hội lẫn môi trường.

TP HCM đang phát triển dựa trên 4 trụ cột là đầu tư phi carbon, mua bán tín chỉ carbon, tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Chuyển đổi công nghiệp sẽ giúp tăng khả năng kết nối, đáp ứng yêu cầu của hội nhập, các tiêu chuẩn mới của thị trường để thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là mục tiêu rất quan trọng mà thành phố hướng đến. 

Cuối cùng là nâng cao vị thế của TP HCM từ chuyển đổi công nghiệp dựa trên cơ sở phân công lại sản xuất - kinh doanh với các lợi thế riêng, từ đó đáp ứng nhu cầu nâng cấp và định vị lại vai trò của thành phố trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và cả nước cũng như các thành phố trong khu vực và thế giới. "Quá trình chuyển đổi không thể chỉ DN mà còn rất nhiều chủ thể khác nhau tạo nên hệ sinh thái về chuyển đổi công nghiệp" - một chuyên gia gợi ý.

Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP HCM - nhận định việc chọn chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM" cho Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần 5 năm 2024 (HEF 2024) nhằm hướng đến mục tiêu tìm kiếm các giải pháp để tạo chuỗi giá trị gia tăng cao nhất, giúp nâng cao năng suất, đột biến về năng suất lao động trên địa bàn. 

Tại HEF 2024, TP HCM đã mời nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, nghiên cứu những mô hình ở nhiều nước, nhiều địa phương trong vấn đề chuyển đổi công nghiệp. Quá trình này sẽ xét trên 2 nhóm là chuyển đổi các ngành, sản phẩm công nghiệp theo hướng số hóa và chuyển đổi các KCN theo hướng đi vào những sản phẩm tập trung như sản xuất chip bán dẫn, một số ngành, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)… Đồng thời, gắn với chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. 

"TP HCM dự kiến chuyển đổi 5 KCN dựa trên nền tảng số, xanh và lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, trong đó vai trò đột phá phải từ công nghiệp và cần thiết nhất là nghiên cứu kinh nghiệm của các chuyên gia, tổ chức sẽ được tổng hợp, chia sẻ tại diễn đàn lần này. Mục tiêu là định hình một số chính sách, giải pháp để đưa vào chương trình, chính sách phát triển của TP HCM giai đoạn 2026-2030. Đặc biệt, diễn đàn lần này sẽ có điểm mới là cuộc đối thoại chính sách để làm rõ các nội dung cần tạo chính sách, nền tảng cho chuyển đổi công nghiệp" - TS Trần Du Lịch nói.

Tìm động lực mới để kinh tế TP HCM tăng trưởng (*): Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững- Ảnh 2.

Người dân tìm hiểu các sản phẩm công nghệ xanh đang trưng bày tại Không gian giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh 2024 (GRECO 2024) trong khuôn khổ HEF 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trục chính vẫn là chuyển đổi công nghiệp nhưng các chuyên gia khẳng định TP HCM sẽ dựa trên nền tảng là quá trình chuyển đổi hướng tới kinh tế số, kinh tế xanh. Công nghiệp không chỉ thuần túy là sản xuất - kinh doanh mà còn chuyển đổi công nghiệp trong tất cả các lĩnh vực như công nghiệp văn hóa, công nghiệp dịch vụ hay công nghiệp du lịch…

Cũng theo TS Trần Du Lịch, trong quá trình chuyển đổi này, Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù sẽ tạo một phần điều kiện thuận lợi trong chính sách, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - phiên thứ 3: "Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công", do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cũng đề cập câu chuyện thí điểm Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù của TP HCM đang đem lại kỳ vọng trong quá trình thực hiện, có những hiệu quả để các địa phương khác cùng triển khai theo, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, hạ tầng giao thông. Đặc biệt là liên quan quá trình đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, khâu thủ tục phải giải quyết điểm nghẽn bằng cách đơn giản hóa các tầng nấc trung gian. 

"Việc phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương, như Nghị quyết 98 là giao cho TP HCM các dự án có tính chất liên vùng, dùng ngân sách địa phương cho các địa phương khác. Như có Nghị quyết 98 thì đầu tư tuyến cao tốc TP HCM - Tây Ninh có tháo gỡ được vướng mắc như một số địa phương khác từng gặp phải?" - TS Nguyễn Quốc Việt nói.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cũng nhận định Nghị quyết 98 là một trong những chính sách có thể giúp thành phố dịch chuyển sang kinh tế xanh, phát triển bền vững. 

Theo đó, tăng trưởng xanh và bền vững là xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu, các khu vực kinh tế lớn đều triển khai thúc đẩy chống biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng thương mại toàn cầu. Việt Nam cũng có những cam kết quốc tế, hợp tác quốc tế về phát triển bền vững và có chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế toàn hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng chạy đua thực hiện các chiến lược chuyển đổi xanh và Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi mục tiêu phấn đấu đạt Net Zero vào năm 2025.

Để triển khai quá trình trên, TP HCM đã đề xuất những khung chính sách xanh, tăng trưởng xanh trong các lĩnh vực như khởi nghiệp xanh, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo TS Trương Minh Huy Vũ, một số chính sách đã được các sở, ngành xây dựng, như đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh TP HCM giai đoạn 2025-2023 của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM; chính sách phát triển thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, thu hút các quỹ đầu tư quốc tế đầu tư vào Việt Nam của Sở Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2023-2025; chính sách tạo các thị trường mới cho sản phẩm, dịch vụ và quy trình xanh của Sở Công Thương…

Với tiêu dùng xanh, TP HCM đang thí điểm một số nơi như đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ) không chai nhựa, không túi ni-lông hay đảo Cần Giờ sẽ được ưu tiên thí điểm về Net Zero với giao thông, tiêu dùng xanh, xử lý rác, nước thải và những khu làng xanh, dân cư xanh. 

Hỗ trợ 100% lãi suất

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức HEF 2024 - cho biết quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghiệp của cộng đồng DN TP HCM và của nền kinh tế đã được khởi động trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sự quan tâm và triển khai chưa đồng bộ. Đến nay, các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị DN) trên thế giới đang chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc, các DN Việt Nam chủ động hơn trong việc tiếp cận ESG, biến thành hoạt động bình thường của DN để có thể xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Tỉ lệ DN áp dụng ESG đang tăng lên.

Theo ông Hòa, hiện các DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. "Theo Nghị quyết 09 của HĐND TP HCM để thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, các dự án chuyển đổi xanh được hỗ trợ 100% lãi suất cho mức vay tối thiểu 200 tỉ đồng/dự án, thời hạn vay tối đa 7 năm. Tháng 7 vừa rồi, TP HCM đã ra Quyết định 42 để cụ thể hóa những lĩnh vực, nội dung cần triển khai trong chương trình hỗ trợ lãi suất này. Chúng tôi kỳ vọng trong tháng 9, thành phố sẽ hình thành 2 tổ công tác do Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương chủ trì để xác định dự án đủ điều kiện tham gia chương trình, trên cơ sở đó HFIC tiến hành cho vay" - Chủ tịch HĐTV HFIC thông tin thêm.

Chuyển đổi công nghiệp là chuyển đổi kép

Giải thích lý do TP HCM chọn chủ đề HEF 2024 là "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM", ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết bối cảnh hiện tại, chuyển đổi công nghiệp sẽ giúp phát triển của thành phố bền vững hơn. Đó cũng là chuyển đổi kép, sau chủ đề phát triển xanh được bàn đến trong diễn đàn năm ngoái.

Nếu như năm 2022, TP HCM chọn chủ đề diễn đàn kinh tế là kinh tế số, năm 2023 là "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0" thì năm nay, chuyển đổi công nghiệp là bước đi tiếp theo: ứng dụng khoa học - công nghệ thay đổi mô hình kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững. HEF lần thứ 5 sẽ giúp các DN có cái nhìn tổng quát hơn, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của mình.

HEF 2024 dự kiến có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và khoảng 1.200 - 1.500 đại biểu tham dự gồm các định chế tài chính, tổ chức quốc tế, các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 25 quốc gia; đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các DN, chuyên gia trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chuyển đổi công nghiệp và phát triển bền vững.

Diễn đàn xoay quanh các nội dung: Xu thế chủ đạo (Megatrend) về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; vai trò Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP HCM gắn với chuyển đổi công nghiệp.

Ngoài ra, HFF 2024 cũng tập trung thảo luận nội dung: Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; vai trò của DN và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp; đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành trung ương, lãnh đạo UBND TP HCM và khách mời VIP, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế…

Đặc biệt, trong khuôn khổ HEF 2024, TP HCM sẽ ra mắt C4IR với trụ sở đặt tại Khu Công nghệ cao TP HCM. Đây là trung tâm thứ 2 được thành lập ở Đông Nam Á, sau C4IR Malaysia, và là trung tâm thứ 19 trên toàn thế giới, đánh dấu TP HCM chính thức trở thành thành viên trong hệ sinh thái của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-9

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo