Vì thế, trong cuộc họp với các sở - ngành mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu tuyên bố sẽ thưởng "nóng" 50 triệu đồng cho cán bộ nào đề xuất ý tưởng chống ngập hiệu quả, đồng thời đưa vào quy hoạch vị trí cao hơn. Điều đó thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu thành phố trong việc giải quyết vấn đề ngập úng - một bài toán nan giải của Cần Thơ.

Nhiều tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ ngập sâu trong trận mưa lớn vào tháng 6 vừa qua
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho hay các nguyên nhân gây ngập tại thành phố gồm: Vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tác động của lũ thượng nguồn, triều cường dâng cao trên sông Hậu, mưa với lưu lượng lớn, quá trình đô thị hóa, lún đất…
"Hệ thống thoát nước tuy đầu tư theo quy hoạch được duyệt nhưng vẫn chưa bao phủ hết; một số kênh, mương bị lấn chiếm; các miệng thu nước trên một số tuyến đường được thiết kế và thi công nhỏ, không đủ tiết diện thu nước trong trường hợp xảy ra mưa lớn… nên gây ngập" - ông Khoa giải thích.
Cần Thơ đã triển khai Dự án Phát triển thành phố và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị với tổng vốn đầu tư hơn 9.167 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ODA hơn 5.695 tỉ đồng. Dự án có mục tiêu kiểm soát ngập lụt, vệ sinh môi trường cho phần đô thị lõi của quận Ninh Kiều và Bình Thủy (cũ).
Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức TP Cần Thơ (chủ đầu tư), thông tin: "Dự án đã hoàn thiện hệ thống chống ngập và vận hành hiệu quả, gồm: 10 km kè, 5 km đường đê bao, 10 cống ngăn triều, 2 âu thuyền và 32 tuyến cống trong nội ô; tăng cường khả năng thoát nước".
Theo ông Thượng, tình trạng ngập cục bộ ở TP Cần Thơ khi trời mưa còn do nguyên nhân kênh, rạch bị lấn chiếm; nhiều hộ dân sống dọc các tuyến kênh, rạch vứt rác bừa bãi, làm cản trở việc thoát nước tự nhiên...
ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho rằng thành phố ngày càng dễ ngập là do đất lún trong khi nước biển dâng và mưa nhiều. "Công trình chống ngập ở Cần Thơ sử dụng số liệu đo đạc cũ, lại mời chuyên gia nơi khác đến nên không thấy được sự thay đổi thông số về khí tượng thủy văn. Những tính toán dựa vào các thông số không đúng nên công trình chống ngập không hiệu quả" - ông phân tích.
Về giải pháp chống ngập, ông Vinh nhấn mạnh cần tìm cách hạn chế tình trạng sụt lún đất. Trước khi triển khai các công trình, Cần Thơ phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, khảo sát thực địa, đánh giá lại toàn diện hiện trạng thay vì sử dụng các số liệu cũ không còn phù hợp.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ, nhìn nhận: "Muốn chống ngập cho Cần Thơ thì phải có giải pháp toàn diện trên quy mô vùng, chứ chỉ bó hẹp ở thành phố thì dễ gặp rủi ro và không hiệu quả" .

Bình luận (0)