Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần XIV của Đảng. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. UBND TP HCM xác định phải chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
UBND TP HCM đã ban hành Chỉ thị 19 về việc tăng cường kỷ cương hành chính, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, TP HCM tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung nguồn lực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) trên 10%; phấn đấu hoàn thành đạt, vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Thứ hai, chuẩn bị thật tốt để triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch chung TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và các đề án, chương trình, dự án trọng tâm.
Thứ ba, khẩn trương triển khai nhiệm vụ của ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương ngay trong tháng 1-2025.
Thứ tư, tập trung triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 18/2017.
Thứ năm, tổ chức rà soát, phân công triển khai các trọng tâm công tác, nhiệm vụ của ngành, địa phương bảo đảm không trễ hạn.
Thứ sáu, giữ vững, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, thực hành tác phong chuẩn mực trong thực thi công vụ: giải quyết, xử lý công việc dứt điểm, đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu chung; kiên quyết xử lý tình trạng cố ý chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm.
Thứ bảy, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ tám, Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai các đề án huy động các nguồn lực phát triển TP HCM.
Thứ chín, Sở Nội vụ tiếp tục triển khai Đề án xây dựng nền công vụ TP HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030.
Thứ mười, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch của UBND TP HCM triển khai Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ 11, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới.
Thứ 12, Văn phòng UBND TP HCM đề xuất giải pháp cải thiện, nâng cao chế độ thông tin, báo cáo của hệ thống chính quyền thành phố theo hướng cải cách mạnh mẽ trên nền tảng số.
Gỡ vướng mắc, hút đầu tư
Ngay sau khi có Chỉ thị của UBND TP HCM, chiều 2-1, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đã tổ chức tọa đàm khoa học "Giải pháp để TP HCM tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2025 - 2030".
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho rằng để đạt tăng trưởng 2 con số thì đầu tư công chiếm 100.000 tỉ đồng và đầu tư xã hội khoảng 500.000 tỉ đồng. Muốn vậy, thành phố phải thu hút đầu tư vào dự án lớn, như 2 tuyến đường Vành đai 2 và 4, khu lấn biển Cần Giờ, GS Metrocity Nhà Bè, Lotte Thủ Thiêm… "Những "làn sóng" này sẽ góp phần thúc đẩy TP HCM tăng trưởng 2 con số" - TS Vũ nhìn nhận.
TS Phạm Văn Đại, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, kể câu chuyện Singapore và TP Thâm Quyến - Trung Quốc tài nguyên không dồi dào nhưng vẫn thu hút đầu tư mạnh mẽ. Ông nhận định điều nhà đầu tư cần là một tầm nhìn, một cam kết mạnh mẽ từ chính quyền. Cho rằng TP HCM còn nhiều dư địa tăng trưởng, TS Đại nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng nhất để thu hút đầu tư: Thực thi, thực thi và thực thi. "Thực thi những việc chúng ta có thể làm ngay" - TS Đại giải thích.
Trong khi đó, TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng TP HCM cần kiến nghị để Trung ương giải tỏa các nguồn lực cho thành phố, nhất là tháo gỡ các dự án sai phạm; có cơ chế đặc thù cho các công trình lớn, rút ngắn quy trình thủ tục. "TP HCM cần đề nghị Trung ương được áp dụng một thể chế ổn định như Luật Đô thị đặc biệt, thay thế Nghị quyết 98, để giúp nhà đầu tư an tâm" - TS Đức Anh gợi ý.
Đồng tình, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, nhìn nhận cần tháo gỡ điểm nghẽn thể chế. "Cần xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM để ổn định về mặt thể chế, không phải thực hiện thí điểm trong 5 năm" - ông Hoàng nêu quan điểm.
Phê duyệt Quy hoạch TP HCM đến năm 2050
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nêu rõ mục tiêu tổng quát phát triển TP HCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước.
TP HCM cũng được xác định sẽ hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Quy hoạch được phê duyệt, TP HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5%-9%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD.
M.Phong
UBND TP HCM yêu cầu từng cơ quan, đơn vị quán triệt thực hiện công thức 1-3-7 trong việc giải quyết xử lý hồ sơ tồn đọng: Tiếp nhận, phân công cán bộ thực hiện trong 1 ngày; phối hợp xử lý trong 3 ngày; thời hạn hoàn thành mỗi công việc không quá 7 ngày.
Đối với các tổ công tác áp dụng công thức 3-3. Đó là giải quyết sự việc thì họp không quá 3 lần; mỗi lần họp không cách nhau quá 3 tuần.
Bình luận (0)