xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm lại thương hiệu bóng đá Sài Gòn - TP HCM

Hoàng Tú

Tại Giải Hạng nhì quốc gia 2024, bóng đá TP HCM có 3 đại diện trong số 7 đội bóng tại bảng B, tham vọng của CLB Trẻ TP HCM không nhỏ: Mỗi năm tăng một hạng, xây dựng thương hiệu và con người gắn chặt với bản sắc Sài Gòn - TP HCM

Sài Gòn - Gia Định - TP HCM từng là cái nôi lớn của bóng đá Việt Nam. Từ cuối thập niên 1950 đến 1975, thành phố đã xây dựng các thế hệ cầu thủ giỏi đi thi đấu gây tiếng vang tại các giải quốc tế. Đội tuyển quốc gia Nhật Bản sau khi thua đội bóng của các danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Văn Rạng, Hồ Thanh Cang cách đây 65 năm đã tự ví họ chỉ như là chiếc giày nhỏ so với bóng đá Việt Nam.

Niềm tự hào một thời

Sau năm 1975, TP HCM có đến hơn 10 đội bóng, thậm chí năm 1986 có đến 4 đội bóng tham gia giải bóng đá hạng cao nhất (A1) khi đó là: Cảng Sài Gòn, Sở Công nghiệp, Công an TP HCM, Hải quan. Không chỉ chiếm tỉ lệ 25% vì khi đó có 20 đội tham gia, mà bóng đá TP HCM có đến 4/6 đội vào vòng 2 để đá vòng tròn tranh chức vô địch và đội Cảng Sài Gòn đã đăng quang với 5 trận thắng tuyệt đối.

Đội Trẻ LPBank TP HCM (phải) đang có khởi đầu khá tốt tại bảng B Giải Hạng nhì quốc gia 2024  Ảnh: MINH HOÀNG

Đội Trẻ LPBank TP HCM (phải) đang có khởi đầu khá tốt tại bảng B Giải Hạng nhì quốc gia 2024 .(Ảnh: MINH HOÀNG)

Khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực và quốc tế từ năm 1991, TP HCM vẫn luôn là bộ khung của đội tuyển quốc gia, rõ ràng nhất là với thế hệ: Huỳnh Đức, Minh Chiến, Đỗ Khải, Chí Bảo, Hồ Văn Lợi, Hoàng Bửu, Nguyên Chương…

Nhưng từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp đầu những năm 2000, bóng đá thoát dần khỏi "bầu sữa" nhà nước để được xã hội hóa thì bóng đá TP HCM càng đi xuống. Đây là một nghịch lý lớn vì TP HCM là đô thị phát triển kinh tế năng động hàng đầu, có nhiều doanh nghiệp lớn nhất nước. Lần lượt Công an TP HCM (sau là Đông Á TP HCM), Hải quan, Cảng Sài Gòn đổi phiên hiệu rồi giải thể.

Dễ đến cả chục năm nay, không có cầu thủ gốc TP HCM nào được gọi vào đội tuyển Việt Nam. Sài Gòn FC và CLB TP HCM không đóng góp cầu thủ nào thi đấu chính thức cho đội tuyển dù có vài cầu thủ được gọi tập trung. Các ông chủ từng mang các đội bóng khác nhập "hộ khẩu" TP HCM như Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn, Sài Gòn FC đều không thành công vì không tạo được bản sắc để cổ động viên (CĐV) bản địa tin yêu, gắn bó như máu thịt.

Làm lại từ tuyến trẻ

Cách duy nhất để khôi phục danh vị cho bóng đá Sài Gòn - TP HCM là đào tạo trẻ. Các dự án học viện bóng đá đã được hình thành - bại có, chưa đủ thời gian kiểm chứng có nhưng thành công thì chưa.

Dự án Học viện Juventus Việt Nam của CLB TP HCM bắt đầu năm 2018 với 3 lần tuyển sinh, song đang gặp trở ngại ngay khi các cầu thủ vẫn chưa đến tuổi ra lò. Dự án Học viện Nutifood JMG từ năm 2015 có kết quả khả quan, thi đấu tốt ở nhiều giải U17, U19, U21, chuyển giao được các cầu thủ cho các CLB sử dụng, như CLB Bà Rịa - Vũng Tàu, CLB TP HCM.

Dự án Học viện Lyon TP HCM bắt đầu năm 2016, sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước, được ký kết giữa LĐBĐ TP HCM (HFF) với CLB Lyon (Pháp) đã tuyển sinh được vài lứa. Đội bóng từ học viện này giành ngôi á quân Giải U17 quốc gia 2022 nhưng thua nhiều ở các giải khác, chưa đóng góp được nhiều cầu thủ cho các CLB sử dụng.

Rõ ràng, ngân sách nhà nước là có hạn nên sức bật của học viện chưa gây ấn tượng. Cần có sự đóng góp từ các nguồn đầu tư xã hội hóa.

Trước thực trạng này, để vực dậy bóng đá TP HCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM ban hành Kế hoạch số 109/KH-SVHTT ngày 9-1-2024 về đầu tư các môn thể thao trọng điểm giai đoạn 2024 - 2035 nhằm đẩy nhanh chuyển đổi mô hình chuyên nghiệp đối với một số môn thể thao thành phố, trong đó có bóng đá. Kế hoạch này nằm trong đề án "Phát triển ngành TDTT TP HCM đến năm 2035".

Đồng hành với Kế hoạch 109 này có Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt TP HCM (LPBank TP HCM) cam kết đầu tư phát triển bóng đá TP HCM bền vững và lâu dài. Doanh nghiệp này còn phối hợp với Trung tâm Thể thao Thống Nhất hỗ trợ hằng năm cho việc tuyển chọn, đào tạo cầu thủ năng khiếu, đóng góp cho bóng đá thành phố.

Dự kiến từ mùa giải chuyên nghiệp 2024 - 2025, LPBank TP HCM cam kết hỗ trợ ngân sách tập luyện và thi đấu các giải trẻ của tối thiểu 3 đội năng khiếu của CLB Bóng đá LPBank TP HCM, bao gồm U17, U19, U21. Các cầu thủ năng khiếu được lấy từ Học viện Lyon TP HCM cũng như những lò đào tạo khác.

Lãnh đạo UBND TP HCM, Sở Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Thể thao Thống Nhất chấp thuận chủ trương cho phép LPBank TP HCM được đồng hành, tài trợ cho đội bóng đá trẻ TP HCM thi đấu Giải Hạng nhì quốc gia 2024 với tên CLB Bóng đá Trẻ TP HCM.

Tham vọng của đội bóng này không nhỏ: Mỗi năm tăng một hạng, xây dựng thương hiệu và con người gắn chặt với bản sắc Sài Gòn - TP HCM. Có sự hỗ trợ chiến lược chính sách từ lãnh đạo và ngành thể thao TP HCM, hỗ trợ tài chính từ đơn vị tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật và nhân sự từ các đội bóng cùng nằm trong hệ sinh thái LPBank đang chơi ở V-League, xem ra tham vọng mỗi năm tăng một hạng không quá xa vời! 

Cố gắng có thêm đại diện ở V-League

Năm nay, Trưởng đoàn Hoàng Ngọc Tuấn kiêm Phó Tổng Thư ký LĐBĐ TP HCM thông tin đội Trẻ LPBank TP HCM có tăng cường 8 gương mặt khá chất lượng từ "lò" HAGL. Ông nói: "Đội sẽ tiếp tục ươm mầm và tìm thêm nhiều nhân tố mới. Về lâu dài, CLB hướng đến mục tiêu đưa TP HCM có thêm đại diện tại hạng đấu cao nhất (V-League) sau khi thăng hạng và có thêm các nhà tài trợ, đồng hành".

Tìm lại thương hiệu bóng đá Sài Gòn - TP HCM- Ảnh 3.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo