icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm nhau

Truyện ngắn của KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Thời gian vốn cuốn phăng đi những kỷ niệm, lấy đi tuổi thanh xuân của mỗi người...

Ở ngã tư đường nơi ông ở có một quán cà phê dạng đang thịnh, khách tới quầy mua tính tiền trước, rồi ra bàn đợi tấm thẻ nhân viên đưa bật lên tít tít thì tới lấy cà phê.

Ông ra quán đó mỗi buổi sáng, bởi vì đi bộ từ nơi ông ở ra một cách dễ dàng và hẹn bạn bè cà phê cũng dễ dàng. Bạn bè của ông còn sót lại vài người đã già, không đi làm việc nữa nên thời gian cũng rảnh rang.

Ông về như một người đi tìm những gì đã đánh rơi. Về lặng lẽ, không người đưa đón, không báo tin cho ai và cũng chẳng có một ngôi nhà để trở về. Sân bay rộn tiếng cười, rộn tiếng khóc và người đón người; ở chỗ đó có mùi của mồ hôi, của thuốc xoa bóp và cả mùi của thức ăn. Mà thật ra ở hai phía, phía nào ông cũng trống không, giống như một hành khất chẳng nơi chốn để trú ngụ. Ở bên Mỹ, ông có những ngày dài không kịp buồn, không theo kịp dòng xe đi đúng vạch đường cứ lao nhanh theo tốc độ quy định để đến chỗ làm.

Hôm về, vừa rời khỏi sân bay, bỗng dưng ông thèm một tô hủ tiếu mì, cái món ăn quen bán khắp cùng ở thành phố với hai loại bánh màu trắng và vàng trộn vào nhau. Là cọng hành trắng, là gợn chút nước béo, là xá xíu và cả thịt bò viên. Người ta trong tận cùng của nỗi nhớ, hình như món ăn luôn gợi về chứ không phải là hàng cây kèn hồng trên con đường, không phải là chiều xám hàng me rụng lá. Càng già, người ta càng nhớ về ký ức, như thể chúng nằm đâu đó để đến khi nào có dịp lại bung ra, nhắc nhở. Không ai tin rằng lâu rồi ông mới ngồi máy bay, họ cứ nghĩ những người sống lâu ở nước ngoài thì việc bay là bình thường, cũng như họ tưởng tất cả người từ nước Mỹ về đều giàu có.

TÌM NHAU - Ảnh 1.

Minh họa AI: VƯƠNG FƯƠNG ANH

Ông gọi điện đôi lần cho Hảo, người em họ của ông, báo là ông về. Hảo nói chắc gì anh em nhìn ra nhau, bởi khoảng thời gian xa cách đã 40 năm. Thời gian vốn cuốn phăng đi những kỷ niệm, lấy đi tuổi thanh xuân của mỗi người. Ngày đó, ông là chàng trai vừa 20 tuổi, nay ông đã qua tuổi 60.

Hảo sống trong một căn nhà nhỏ, đó là căn nhà do ba mẹ để lại. Căn nhà không nằm ở phố chính, nhưng ngay đầu hẻm, thuận lợi để mở một cửa hàng bán mọi thứ linh tinh mà mọi người gọi là tạp hóa. Hảo nói: "Bán chai nước, bịch muối cho hàng xóm, chứ bây giờ mấy cửa hàng tiện lợi mở nhiều lắm, hàng tạp hóa khó sống". Hai anh em gặp nhau, ai cũng già, như thời gian cứ đi qua ngọn cây, rồi phả lên đời người những hằn học để đôi khi quên nhớ. Hảo bảo: "Anh cứ ở căn gác bên trên, căn gác đó để cho khách, chứ thuê nhà bên ngoài vừa tốn kém vừa bất tiện". 

Hảo nói tiếp: "Vả lại Việt kiều về già ăn trợ cấp đâu giàu có gì". Hảo nói chẳng sai, bởi ông chẳng giàu có gì với số tiền trợ cấp tạm đủ, thêm một số tiền ông dành dụm bấy lâu nay. Ông về là nỗi nhớ, ông về như người con tìm về để nghe tiếng gàu múc nước va thành giếng, để nghe tiếng mưa vỗ về trên mái tôn và để tìm những gì thuộc về ngày xưa. Mà dạo này Việt kiều về nước khá đông, đa phần là những người đã hết tuổi lao động, ăn nhờ tiền trợ cấp. Họ về có khi 6 tháng, qua lại Mỹ vài tháng rồi về. Có người thời còn làm việc đã chuẩn bị cho tuổi già, về Việt Nam mua một hai căn nhà hoặc chung cư, rồi cho thuê. Những chuyến về lấy tiền thuê nhà có thể sống an lành, lâu lâu tụ họp bạn bè cho vui.

Ông nhớ mọi điều, dẫu thành phố đã thực sự đổi thay, mà sự đổi thay là lẽ thường trong cuộc sống này. Sự đổi thay là quán cà phê ông ngồi chẳng còn cái phin quen thuộc, họ đã pha cà phê bằng máy. Ông thích nhìn cà phê nhỏ từng giọt xuống lớp sữa bên dưới, cái cảm giác chờ đợi vô cùng thú vị.

Kim ra cà phê với ông, nhìn ông như nhìn một cái cây vừa được tưới nước: "Có định về Việt Nam ở luôn không? Nghe nói người già về Việt Nam sống nhiều lắm, vì ở bên đó trước sau cũng vào viện dưỡng lão". Ông cười, đưa cho Kim lọ thuốc bổ tổng hợp. Kim cầm rồi cười: "Hồi xưa Việt kiều về nước tặng trăm đô, còn bây giờ thì tặng thuốc bổ, vitamin…". Kim là bạn học thời trung học, cái thuở xa lắc xa lơ hai đứa vẫn thường hẹn đi uống cà phê. Khi đó, ông dạy kèm Anh văn cho ai cần, còn Kim thì mở tiệm sửa xe đạp. Nói tiệm sửa xe cho sang, chứ thực ra chỉ là khoảng trống bên hiên một ngôi chùa. 

Lạ là hồi đó người ta chuộng đi học tiếng Anh và nhà ai cũng có một chiếc xe đạp. Nói chung là ông và Kim không giàu có gì nhưng cũng sống được. Cà phê hồi đó, ông nhớ vẫn còn bán theo kiểu tem phiếu. Phải mua phiếu rồi xếp hàng nhận, chỉ có mỗi cà phê đen đá, bán kèm thêm 10 điếu thuốc quấn thủ công. Ông không hút thuốc, còn Kim thì hút nên ông mua phần ông cho Kim.

Ông đi Mỹ như một ngẫu nhiên. Ông để lại Việt Nam một mối tình nhỏ. Mà lời hứa của ông đã không như ý. Ông nhủ cứ đi một thời gian rồi về, ông nhủ sẽ giữ lời hứa của mình với Uyên, nhưng chỉ có nếm trải mới biết sự chông chênh của phận người.

Kim biết Uyên. Bởi ngày đó ông vẫn thường chở Uyên trên chiếc xe đạp của mình. Tình yêu của cái thuở rủ nhau ra biển, mua ly nước mía hoặc vài củ khoai cùng chia nhau là đủ vui. Tình yêu cái thuở chưa nghĩ đến chuyện khi trở thành vợ chồng sẽ sống ở đâu? Chỉ là cần có nhau. Uyên tốt nghiệp đại học xong, loay hoay không có việc làm, mở một tiệm bán bánh, vì Uyên có năng khiếu làm bánh và cũng đã học qua những lớp làm bánh. Bán bánh cũng chẳng có khách bao nhiêu, nên mỗi khi ông tới là Uyên để tiệm bánh lại cho mẹ trông, cùng ông đi chơi.

Hồi đó yêu nhau sao mà đơn giản? Đơn giản là chỉ cần có nhau, chỉ cần cùng vòng qua những con phố với những hàng cây xanh chao nghiêng. Nụ hôn vụng dại trên bãi biển của cả hai có cả mùi muối mặn và cũng chỉ vậy thôi.

Nhưng ông ra đi không lời từ biệt. Chỉ là tự dưng không gặp nhau. Kim nói: "Khi biết mày đi mà không gặp từ giã, Uyên buồn lắm. Nghe nói ngày nào cũng ra biển ngồi, ngày nào cũng nhìn sóng biển".

Quán cà phê giờ chỉ mình ông ngồi. Chiếc bàn gỗ bằng những thanh nhỏ ghép vào nhau lên màu sậm, chắc do có quá nhiều giọt cà phê đổ xuống thấm vào. Quán không mở nhạc, bởi dường như mọi người tới đây để nói chuyện chứ không nghe nhạc. Ông cũng không nghe nhạc, ông ngắm con phố với dòng người đang trôi. Ông bảo Kim cho ông số điện thoại của Uyên. Kim nói lâu ngày không có liên lạc với nhau, nhưng nghe đâu Uyên đã đi Tuy Hòa từ lâu rồi, hình như là lấy chồng ở đó.

Ông già rồi, đến tiếng thở dài cũng già, nó hong hóc trong không gian có những tia nắng buồn buồn gieo lên mái ngói bên kia đường đã ngả màu bởi thời gian. Ông cũng ngả màu theo thời gian.

Uyên đã lấy chồng và có một gia đình, điều đó thật bình thường bởi ông với Uyên chỉ là một mối tình không có đích đến. Ông cũng chẳng hứa hẹn như bao người rằng sau khi qua Mỹ, đủ điều kiện, như có thẻ xanh, nhập quốc tịch, sẽ lấy Uyên làm vợ, bảo lãnh Uyên sang đó. Cũng có nhiều người làm như vậy, để rồi khi qua Mỹ chẳng được bao lâu thì đã chia tay, chẳng lưu lại cho mình một chút gì lưu luyến.

Ông đi Tuy Hòa thật, dẫu chẳng biết mình đi để làm gì? Hình như khi tuổi thanh xuân qua đã lâu, khi ký ức còn hằn trong lòng thì người ta đi tìm như để trấn an mình? Lâu lắm rồi ông không gặp Uyên. Uyên của tuổi đôi mươi và của bao nhiêu năm sau chắc chắn khác xa, nhưng điều đó có quan trọng không? Uyên bây giờ có thể có một gia đình hạnh phúc và những đứa con đã lớn? Ông không dám gọi điện, chỉ là đi tìm, như thể khi nghe giọng nói của Uyên, ông sẽ không đủ can đảm để trả lời.

Cuối cùng, ông đã tìm ra nơi chốn mình cần tìm. Đó là một quán cà phê vườn, cây cỏ bao quanh khá đẹp. Quán có tên "Uyên" như cho ông biết đúng là nơi ông cần tìm đến.

Ông bước vào quán, đang vắng khách. Khi ông đang loay hoay bỏ những viên đá vào ly cà phê thì nghe tiếng xe máy dừng lại trước quán. Dẫu thời gian đã trôi qua rất lâu, ông vẫn nhìn ra đó là Uyên. Uyên đi lướt qua ông, một mùi nước hoa khẽ thoáng qua, Uyên nhìn ông, cái nhìn thoáng qua như nhìn một người khách đến quán, ông cũng nhìn Uyên. Uyên gật đầu chào, nở nụ cười nhẹ rồi đến quầy thu ngân. Chỉ là phản ứng của hai người xa lạ, bởi làm sao Uyên dự đoán được người của bao năm lại đi tìm mình? Vả lại, thời gian cũng làm cho dung mạo của con người thay đổi.

Ông không gọi Uyên, chỉ lặng lẽ ngồi. Quán vắng, không mở nhạc. Chỉ có tiếng gió thổi len vào cây cỏ tạo ra những âm thanh rì rào. Ông cưỡng lại bước chân mình, ông cưỡng lại ham muốn gặp Uyên, dù ông đã đi hơn 100 cây số từ Nha Trang đến đây. Chính xác hơn là ông đã vượt cả đại dương.

Uyên dường như, sau khi ở quầy nói chuyện với cô thu ngân, đã đi ra sau nhà. Chỉ còn ông và ly cà phê.

Ông để tiền trên bàn, đứng dậy, bước ra cánh cổng của quán, hít thật sâu một cảm giác của lãng quên. Ông đưa tay vẫy chiếc taxi đang trờ tới. Vừa lúc đó, ông nghe tiếng gọi: "Anh Vũ phải không?". Uyên đã đứng sau lưng ông. 

Khuê Việt Trường, Quê quán: TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Hiện là Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Ông bắt đầu sáng tác từ trước năm 1975. Giải truyện ngắn "Tác phẩm tuổi xanh" năm 1993, của Báo Tiền Phong với tác phẩm: "Tí Lai". Giải 3 truyện ngắn mini Báo Sóng Nhạc năm 1994 với tác phẩm "Tiếng đàn mù". Giải truyện ngắn Tạp chí Đất Quảng năm 1994 với tác phẩm "Chị Hòa yêu dấu". Giải C Văn học thiếu nhi lần 1 NXB Kim Đồng năm 1995 với tập truyện "Con còng gió mai xanh". Giải thơ Tạp chí Nha Trang năm 2010. Giải C Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa.

TÌM NHAU - Ảnh 2.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo