xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xóm Cà Bông mùa nước cạn

Truyện ngắn của VŨ NGỌC GIAO

Con Tới được hai tuổi, má nó đem gửi cho bà Thảnh, một bà già khó đăm đăm chuyên giữ đám con nít còn ẵm ngửa...

Con Tới không nhớ mình được sinh ra ở đâu, chỉ biết nó lớn lên ở xóm Cà Bông quanh năm toàn là gió, cái xóm đìu hiu nằm bên nhánh sông bốn mùa nước lờ đờ như không muốn chảy. Nó nghe người ta nói từ thời xa lắc xa lơ nào đó, xóm Cà Bông chỉ là cồn cát nổi lên giữa một cánh đồng cằn cỗi, hoang vu.

Con Tới là kết quả tình yêu của má nó với người đàn ông lái tàu chợ một ngày hai lần ghé qua ga xép cách xóm Cà Bông một quãng đồng. Má nó có sạp hàng thuốc lá bánh kẹo, cộng thêm chút nhan sắc mặn mà của cô gái quê sớm biết ăn diện, cái nhan sắc tuy chưa thuộc hàng chim sa cá lặn nhưng đã nhanh chóng lọt vào mắt người đàn ông cao to điển trai có thói trăng hoa.

Hồi mới biết có bầu, má nó mừng quýnh, tưởng từ đây sẽ vĩnh viễn giữ chân được người đàn ông mà lâu nay má nhấp nhổm sợ người phụ nữ khác tới rinh đi mất. Nghe đâu ngày nó ra đời, ba nó có tới bồng lên coi mặt. Rồi những chuyến tàu chợ thưa dần, thưa dần cho đến khi người lái tàu trên đó là một người đàn ông khác. Cha nó lặn mất tăm. Không một lần quay trở lại.

Xóm Cà Bông mùa nước cạn- Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Má nó ban đầu như điên như dại, hết lăn lộn khóc lóc lại soi gương tự cào vô mặt mình, chừng tháng sau xóm Cà Bông đã thấy má nó tóc uốn xoăn tít, mắt môi ướt rượt lỏn lẻn ngồi sau xe ôm eo ông cai thầu có hàm răng bịt bạc ngày ngày dạo chiếc Vespa màu xanh da trời lượn lờ qua xóm như trai mới lớn. Thấy má nó với ông cai thầu tình tứ như phim Hồng Kông, đám đàn bà con gái xóm Cà Bông chỉ biết há miệng trầm trồ "Y chang Chử Đồng Tử với Tiên Dung tái thế!".

Con Tới được hai tuổi, má nó đem gửi cho bà Thảnh, một bà già khó đăm đăm chuyên giữ đám con nít còn ẵm ngửa. Con Tới được gửi ở đó đâu chừng ba tháng, rồi má nó cũng biệt tăm cứ y như tàng hình, không một lời nhắn gửi. Bà Thảnh cũng nghèo chứ chẳng khá khẩm gì, nay nuôi thêm đứa con nít mà coi bộ chẳng biết khi nào má nó về rước đi, nên đem nó ra ủy ban xã để người ta làm thủ tục đưa vô trại trẻ mồ côi. Ngày người ta đưa nó vô trại, hình như nó biết, nó giãy đành đạch khóc như thể bị bức hại, đánh đập. 

Tình cờ ông già Thơi vác cuốc lững thững đi qua, nghe tiếng con nít khóc như xé ruột, ông vẹt đám người đông đen ghé vô coi thử. Nghe bà con kể đầu đuôi, ông cúi xuống xốc nó lên dỗ dành rồi bế ra ủy ban xã. Thấy con bé da đen cóc cáy lại mụt chốc đầy đầu, người ta đùn đẩy nhau chẳng ai chịu nuôi. Ông già Thơi để con bé ở đó rồi đi, đi vài bước lại quay vô ngó chừng coi có ai nhận nó. Chiều lại cũng chẳng ai có ý nhận nuôi. Ông già Thơi về nhà ngồi mà cái bụng không yên, ông quay lại thấy con Tới ngồi một mình trong góc khóc đến lạc giọng, ông xốc nó lên vai về nhà nhận làm con nuôi.

Từ ngày con Tới về sống cùng già Thơi, người xóm Cà Bông ngày nào cũng chứng kiến cảnh cha con nó quấn quýt nhau, ông gọi nó là con, xưng cha nghe tình cảm còn hơn cha ruột.

Từ nhà nó tới trường mẫu giáo xa hơn năm cây số, phải qua một cây cầu và ba quãng đồng rộng mênh mông. Cha để nó ở nhà chơi và dạy nó học. Ngày nào nó cũng nghêu ngao đọc rồi lấy cái que vạch xuống đất mím môi tập viết những chữ cái đầu tiên, nét chữ dù nguệch ngoạc cũng khiến ông già Thơi gật gù sung sướng. Học chán, nó lại thơ thẩn làm bạn với mấy con thằn lằn bu trên tấm phên rồi ra vườn tìm mấy con cóc sần sùi nấp dưới đống củi mục.

Con Tới lên sáu, thấy đám con nít trong xóm chộn rộn cặp sách đi học, nó cũng chạy về méc cha. Cha nó nghe con nói mới sực nhớ, dù gì cũng cho con nhỏ tới trường. Cả làng chỉ có ngôi trường cấp một được xây trên cái nền bỏ hoang của một nhà địa chủ thời xưa. Vài bức tường gạch tô trét, quét vôi, bên trên lợp ngói ngó cũng tươm tất. Mấy ngày trời già Thơi bỏ công bỏ chuyện đôn đáo chạy xin cho nó vô trường.

Ngày đầu già Thơi đưa con Tới đi học, cái tướng đi lừng lững trên đôi chân vòng kiềng gân guốc khiến ông lạc lõng, vụng về giữa đám người quần áo tươm tất. Thỉnh thoảng ông lại dừng bồng con Tới đi qua mấy cái hục trâu đằm. Con Tới vô lớp ngồi mà nhấp nhổm không yên, cổ cứ ngóng ra ngó cha bồn chồn đứng ngoài cổng. 

Cha nó cũng bịn rịn chẳng thua gì, cổ cứ nghểnh vô lớp ngóng con. Hai cha con cứ vậy mà ngóng nhau. Tới giờ học, đứa nào đứa nấy soạn vở ra tập viết, phần con Tới nước mắt nước mũi vẫn từa lưa, báo hại cô giáo phải ra biểu già Thơi đi về để nó học. Cha quay đi, lưng áo gồ lên mấy mụn vá vụng về. Con Tới ngồi trong lớp nhìn ra lại hức hức òa lên.

Ngày đầu, con Tới ngồi ở hàng ghế ngoài, hai bàn tay vo tròn vô nhau sợ sệt, trong chiếc áo sơ mi trắng mới toanh, nhìn nó mong manh như một cành cây dễ gãy. Bên cạnh nó, thằng con trai tên Dinh, cao, to, đen thui với cái đầu trọc lóc. Từ nhà thằng Dinh muốn đi tới trường phải đi vòng qua doi đất nhà con Tới, rồi đi tiếp qua một cây cầu ri được lót bằng những tấm sắt chênh vênh. Từ đây phải băng qua một bờ mương sạt lở như miệng con cá sấu đang há ra chực chờ ăn thịt.

Mỗi ngày già Thơi đưa con Tới đi học, lúc về đã có thằng Dinh nên cũng yên tâm. Học được vài tháng, thằng Dinh xung phong mỗi ngày qua dẫn con Tới đi. Sáng sớm đã thấy thằng Dinh đứng bên hàng rào đợi con Tới, cái đầu trọc nhấp nhô ngọ ngoạy vì sốt ruột. Hai đứa dung dăng từ đó tới trường. 

Vậy rồi cũng đi qua bao mùa mưa nắng. Thấy hai đứa thân thiết, tụi trong lớp bắt đầu chọc ghẹo. Bị chọc ghẹo, thằng Dinh lồng lộn cầm cây rượt tụi trong lớp chạy té khói, nó khỏ đầu từng đứa cho chừa cái tật chọc ghẹo người khác. Từ bữa đó, đi học, con Tới không còn dám đưa tay cho thằng Dinh nắm, nó cắm cúi bước thiệt nhanh báo hại thằng Dinh chạy theo muốn hụt hơi.

Học buổi sáng, buổi chiều, thằng Dinh đi chăn vịt. Cha nó làm cái chòi giữ vịt phía bên kia bàu sen. Chiều về, thằng Dinh lùa vịt vô đó đợi tới tối cha ra canh, nó mới được về nhà. Thằng Dinh cắp cây hèo vô nách, đầu đội cái nón cời lúp xúp lùa bầy vịt xuống ao. Lần nào chăn vịt nó cũng đem theo cái ná với bịch ni-lông đựng trái bời lời, trên đường đi thấy gì nó cũng bắn, một con sáo sậu ngơ ngác đậu giữa ruộng bông, con gà nước lững thững đi bên mé nước hay chùm ổi lúc lỉu trên cành nhà ai đó nó đi qua. 

Từ ngày chơi với con Tới, thằng Dinh chiều nào cũng cố tình lùa vịt đi thiệt xa, vòng qua doi đất, đứng bên hàng rào nhà con Tới mà kêu hời hời. Con Tới chạy ra, khi thằng Dinh dúi cho củ khoai lùi, lúc lại một con dế nướng cháy đen thui. Chiều nào nghỉ học, tụi con nít xóm Cà Bông lại rủ nhau vô rẫy kiếm củi, hái chùm chày, đứa nào không đi thì lội vô biền bẻ bắp, bắt châu chấu nướng lửa than. 

Ngoài giờ học, tụi nó ăn ở đồi, ngủ ở đồi, uống nước khe mà lớn; trưa hè lại kéo nhau ra sông bẻ những cọng lau trắng sát mép nước mà chơi, chơi chán lại đu người vắt vẻo trên cành si già rồi bất thần ùm xuống nước, vừa bơi vừa hò hét rầm trời. Con Tới nhìn tụi nó quẫy trong làn nước trong vắt mà thèm thuồng.

Tụi con nít trong làng hầu như đứa nào cũng biết bơi từ rất sớm. Bãi bờ phía trên khúc sông rậm rì bói và cỏ lau, cỏ lùng. Tụi nó cắt cỏ cho bò, đụng ngày hè nắng nóng còn dắt bò xuống tắm dưới sông. Con bò bơi đằng trước, tụi nó bơi đằng sau. Cứ vậy, đứa nào riết rồi cũng bơi như rái cá…

Chiều lưa thưa nắng. Con Tới ngồi trong lớp ngó ra thấy ngoài hành lang bóng một người đàn bà thấp thoáng, bà rụt rè muốn gặp cô giáo nó. Linh cảm mách bảo cho biết người đàn bà đó đang tìm nó. Quả nhiên sau một hồi trò chuyện, cô giáo quay vào dắt nó ra. Người đàn bà vừa thấy đã đổ sập vào lòng nó mà khóc: "Về với má! Má đưa con lên thành phố!". Không đợi nó phản ứng gì, bà te tái dắt nó đi, hướng về phía đường lên thị trấn.

"Con muốn về với cha con!" - con Tới mếu máo. "Không được! Phải lên thành phố với má chớ ở chi đây!". "Không! Con muốn về với cha con!". Con Tới dằng ra khỏi tay má nó quay đầu ù chạy, mắt nhòa đi vì những dòng nước cứ lã chã tuôn nhưng nó vẫn nhận ra bên gốc cây bông gòn, bóng một người đàn ông già nua đang lặng lẽ đứng đó. Cái bóng thân thương không ai khác chính là cha nó, người đã bao nhiêu năm ôm nó vào lòng vỗ về, giờ đây đang cúi xuống run run dang rộng hai cánh tay chờ nó.

"Cha!" - nó lao tới giọng khản đặc.

Ngoài kia, sông Cà Bông đã vào mùa cạn, đáy sông để lộ hai bên bờ những bãi bồi uốn khúc, vài con đò ngang mảnh như chiếc lá trôi êm. Mấy cái rớ qua mùa nước lớn đã được gỡ lưới, trơ ra bốn gọng tre ám màu khói bếp. Từ xa, con Tới đã thấy thằng Dinh với mấy đứa trong lớp tan học về đang chạy đuổi theo đám còng trên bãi, đứa nào đứa nấy da ngăm đen tươi giòn màu nắng, tiếng cười rộn rã cả một khúc sông. 

Con Tới buông tay cha lao về phía đám bạn. Bên ruộng bắp trổ cờ tím ngắt giữa cồn đất nổi lên trắng muốt hoa lau, bóng già Thơi vẫn đứng đó mắt dõi về phía con, chòm râu rung rung giữa màu nắng hanh hao…

Vũ Ngọc Giao

Tên thật: Nguyễn Thị Ngọc Giao. Sinh năm 1972. Quê quán: huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện sống và làm việc tại TP Đà Nẵng.

Xóm Cà Bông mùa nước cạn- Ảnh 4.

Đã xuất bản: "Búp bê Matryoshka" (tản văn - truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn 2019; "Dòng chảy" (hồi ký, chấp bút), NXB Hội Nhà văn 2022; "Người đàn bà và chiếc dương cầm" (tập truyện ngắn), NXB Dân Trí 2023; "Miền trăng tối" (tiểu thuyết), NXB Dân Trí 2023; "Vườn sơn tra dưới trăng" (tập truyện ngắn), NXB Dân Trí 2024; "Bến Mù U" (tiểu thuyết), NXB Dân Trí 2024...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo