Ngày 21-11, phóng viên trở lại xóm nhỏ bên Quốc lộ 1, thuộc phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - nơi tập trung nhiều nạn nhân trong vụ gửi tiền vào quỹ tín dụng mà chưa đòi lại được. Cụ ông Hoàng Văn Lục (70 tuổi), người được cho là gửi vào quỹ hơn 8 tỉ đồng, số tiền lớn nhất trong hơn 80 nạn nhân, suy sụp thấy rõ.
Bình thường, cụ Lục vẫn khỏe mạnh, cùng con cháu điều hành một xưởng sản xuất nhôm, sắt. Giờ cụ đau lòng, xót xa trong cảnh ngộ của mình và nhiều người khác. "Tôi sống gắn bó lâu năm với bà con trong vùng, được bà con họ hàng tín nhiệm giúp đỡ nhau làm ăn. Bây giờ gặp sự cố như thế này tôi chẳng biết làm sao. Mọi người thương nhau giờ nhìn nhau rơi nước mắt" - ông Lục buồn bã nói.
Ông Hoàng Văn Lục, người gửi vào quỹ hơn 8 tỉ đồng chưa đòi lại được, trình bày vụ việc
Cụ kể có 32 người trong vùng tín nhiệm mang tiền cho ông gửi để lấy lời. Giờ đây ông đau lòng khi trong số họ có những người đau ốm nhưng không đòi được được tiền để đi chữa bệnh. Có người con cái phải nghỉ học vì không còn tiền. Thậm chí có người già đã mất mà không lấy lại được số nợ.
"Họ đến tìm tôi, nhìn nhau mà không dám hỏi đến chuyện vay nợ nữa. Rồi thở dài ra về mà không có tiền chữa bệnh, học hành. Giờ đành chịu chứ biết làm sao…" - ông Lục nói như khóc.
Theo ông Lục, ông và những người gửi tiền đều tin tuyệt đối vào quỹ tín dụng. Hơn nữa, ông Vũ Công Liêm, Giám đốc quỹ, cũng chính là người quen biết trong vùng. Bố ông Liêm chính là bạn của ông Lục. Không hiểu cơ chế hoạt động của tổ chức ra sao mà đùng một cái giám đốc ôm tiền bỏ trốn để gần cả trăm người ngơ ngác vì mất của.
Sau khi thời gian kéo dài gần 1 năm không đòi được tiền, những người dân đã tố cáo sự việc đến các nơi nhưng không hiểu vì sao không nơi nào có động thái gì. Cách đây 2 tháng, nghe tin ông giám đốc quỹ không còn ở địa phương, người dân tìm đến nhà ông (ở phường Tân Hòa) nhưng cửa đóng im ỉm. Theo người dân, ông Liêm có 2 căn nhà ở khu vực này và thời gian qua ông làm ăn thua lỗ nặng ở tỉnh Sóc Trăng.
Ông Lục nhận định ông giám đốc đã tìm cách rút tiền ở quỹ rồi bỏ trốn.
Không chỉ ông Lục, nhiều nạn nhân khác cũng tìm đến cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó có người mất khoảng 100 triệu đồng, có người mất vài tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Hùng, mất hơn 100 triệu đồng, đại diện cho nhóm nạn nhân làm các thủ tục kêu cứu, cho biết chưa biết sắp tới sẽ được giải quyết ra sao.
Cùng ngày, chúng tôi liên hệ với ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, về việc xử lý vụ việc. Tuy nhiên, ông cho biết hiện các bên liên quan đang làm rõ, công an cũng đang vào cuộc nên chưa thể cung cấp thông tin.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 20-11, trước phòng giao dịch Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình (phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) gần trăm người tập trung đòi nợ, khiến cả khu vực rối loạn. Lực lượng công an sau đó phải đến vãn hồi trật tự.
Người liên quan được mời về trụ sở UBND phường để giải quyết. Tại trụ sở phường, ông Hoàng Văn Lục cho biết ông gửi gần 8 tỉ đồng với lãi suất 8%/năm nhưng từ đầu năm đến nay nhiều lần ông đến lấy tiền theo hạn định nhưng bị né tránh, không thanh toán như thường lệ.
Bà Trương Mỹ D. (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cũng tố bà bán đất được 700 triệu đồng gửi vào quỹ tín dụng lấy lời. Thời gian đầu được thanh toán đều đặn thế nhưng từ đầu năm đến nay thì không được thanh toán.
Ông Trần Quốc Tuấn thông tin: Quỹ tín dụng Thái Bình hoạt động theo mô hình HTX tự nguyện, tự chủ và chịu trách nhiệm về hoạt động, chịu sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước và sự quản lý hành chính của địa bàn phường.
Giám đốc quỹ là ông Vũ Công Liêm đã không có mặt tại địa phương. Hiện xác định có khoảng 80 nạn nhân gửi khoảng 50 tỉ đồng vào Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình nhưng chưa đòi lại được.
Bình luận (0)