Có lẽ đây chính là khó khăn đầu tiên của Larry Page trên cương vị tân giám đốc điều hành của Google: tìm cách để tháo gỡ và giải quyết vụ kiện của Oracle chống lại công ty bằng những cáo buộc rằng người khổng lồ trực tuyến đã vi phạm một số bằng sáng chế mảng Java từ Sun Microsystems, cũng như một vài tài liệu chất xám đã được đăng ký bản quyền khác.
Sun Microsystems rơi vào tay Oracle vào năm 2009 và các sản phẩm của Sun như Java cũng thuộc về Oracle.
Đây rõ ràng là một “ca bệnh” không đơn giản, chuyên gia phân tích Florian Mueller, cho rằng “các chứng cứ đang thể hiện có nhiều thành phần trong hệ điều hành di động Android có thể đã vi phạm (một cách rõ ràng) các bằng sáng chế từ Sun Microsystems. Bản thân Mueller cũng phát hiện vài yếu tố mà “Oracle có thể trình ra trước tòa như bằng chứng để củng cố đơn kiện của mình".
Theo Mueller, có khoảng sáu tập tin hệ thống trong Android cho thấy sự sao chép nguyên xi những bằng sáng chế mà Oracle cho rằng xuất phát từ các mã lệnh Java gốc của Sun. Những files này đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hệ điều hành Android 2.2 và 2.3 (tên mã lần lượt: Froyo và Gingerbread).
Bạn đọc Nhịp Sống Số có thể tham khảo tài liệu sau để biết thêm về việc Android đã sử dụng (trái phép) mã nguồn Java từ Sun ra sao.
Bảng so sánh mã nguồn của môt tập tin hệ thống trong hệ điều hành Android với mã nguồn Java cho thấy có nhiều điểm chung - Ảnh minh họa: Internet
Oracle có thể thu lợi rất lớn từ việc theo đuổi vụ kiện này. Số tiền Oracle có thể thu được từ Google lẫn các hãng sản xuất thiết bị di động (smartphone, tablet) sử dụng Android sẽ là không nhỏ. Không phải ngẫu nhiên mà LG, một đối tác phần cứng lớn của Android, cũng tuyên bố họ sẽ không hoàn toàn sản xuất những thiết bị sử dụng hệ điều hành từ Google mà đồng thời mở rộng cửa cho Windows Phone 7 từ Microsoft.
Cây bút Ed Bott của tờ ZDNet bình luận vụ tai tiếng mới nhất này sẽ khiến các đối tác phần cứng của Google không khỏi lo lắng, kể cả khi Google có thắng kiện Oracle trước tòa chăng nữa - ngụ ý rằng một dự án mã nguồn mở khác của Google: WebM, sẽ tiếp tục bị “săm soi" bởi những con mắt hiếu kỳ từ dư luận. (Xem bài "Tìm hiểu về định dạng chuẩn video mã mở WebM")
“Bất cứ công ty lớn nào cũng biết họ sẽ rất dại dột và cẩu thả nếu sử dụng bộ mã WebM của Google cho mục đích sử dụng video trên Internet. Như tôi đã lưu ý vào đầu tháng này, những bằng sáng chế cho WebM, vốn vẫn tỏ ra mù mờ đến tận thời điểm hiện tại, lại sắp sửa được đem vào sử dụng trong thị trường chính quy, bởi một tập đoàn sở hữu một túi tiền vô hạn cùng nhiều tham vọng khổng lồ. Và nếu Google thậm chí không thể chứng minh sự rõ ràng về mặt pháp lý và bản quyền đối với sản phẩm mã nguồn của chính họ, thì làm sao họ có thể thuyết phục một đối tác bên thứ ba làm điều đó cho mình?”, Bott bày tỏ quan điểm của mình trên ZDNet.
Như vậy, nhiệm vụ đầu tiên dành cho vị chủ tướng mới của Google Larry Page thật không đơn giản chút nào: giải cứu "chú robot xanh" khỏi nguy cơ gục ngã khi đang ở trên đỉnh của vinh quang.
Bình luận (0)