Java: lửa vẫn cháy giữa Oracle và Google
Java là tâm điểm trong loạt tranh chấp pháp lý giữa Google và Oracle - Ảnh minh họa: Internet
Trong đơn kiện gửi đến tòa án quận Đông California, Oracle đòi Google phải bồi thường… 2.6 tỷ USD cho những thiệt hại gây ra bởi việc vi phạm bản quyền phát minh Java đang được Google sử dụng trong hệ điều hành Android. Cơ sở để phía Oracle đưa ra con số 2.6 tỷ USD được dựa trên số liệu thống kê của Iain Cockburn, giảng viên khoa tài chính đại học Boston kiêm tư vấn viên về các vấn đề tổn thất kinh tế cho Oracle.
Oracle cũng cáo buộc Google đã cố ý diễn giải sai lệch những phân tích thiệt hại của ông Cockburn thực hiện cho Oracle, nhằm “khiến cho đơn kiện của Oracle trông có vẻ thiếu công tâm và bất hợp lý trước tòa”.
Đầu tháng 6 năm nay, Google tiết lộ họ có khả năng bị buộc phải trả Oracle số tiền dao động từ 1.4 đến 6.1 tỷ USD nếu họ thua trong vụ tố tụng này. Oracle đã bác bỏ các quan điểm từ phía Google, và giữ nguyên lập trường dựa trên tính toán của Cockburn. Mức 2.6 tỷ USD – do đó – được xem là “được dựa trên các nguyên tắc kinh tế đã được chấp nhận cũng như điều khoản xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phát minh trong bộ luật”.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra “hục hặc” giữa hai gã khổng lồ ngành công nghệ. Tháng 8 năm ngoái, Oracle đã kiện Google tội vi phạm bản quyền máy ảo Java, vốn thuộc quyền sở hữu của Oracle khi công ty này mua lại Sun Microsystems vào năm 2010. Hiện đơn kiện của vụ việc vẫn đang được văn phòng bản quyền và thương hiệu Hoa Kỳ xem xét.
Samsung đòi cấm bán sản phẩm… Apple tại Mỹ
Apple luôn cáo buộc dòng sản phẩm Galaxy (smartphone và tablet) của Samsung đã ăn cắp kiểu dáng công nghiệp của iPhone và iPad - Ảnh minh họa: Digitaltrends
Mâu thuẫn giữa hai gã khổng lồ ngành công nghệ trở nên nghiêm trọng từ tháng Tư năm nay, khi đó Apple đã đệ đơn tố Samsung ăn cắp kiểu dáng công nghiệp của dòng sản phẩm iPhone và iPad. Ngay lập tức, Samsung nhanh chóng trả đũa bằng đơn kiện cáo buộc Apple đã vi phạm 10 trong tổng số các bằng phát minh về công nghệ không dây của Samsung tại tòa án bang Delaware, Hoa Kỳ cùng hai tòa án khác ở Ý và vương quốc Anh. Mới đây nhất, Apple đã bê “nguyên xi” cáo trạng chống lại Samsung tại Mỹ sang đất… Hàn Quốc, cụ thể là tòa án thủ đô Seoul.
Từ khi cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Samsung được châm ngòi, giới quan sát cũng có dịp chứng kiến những khác biệt căn bản trong chiến lược tiếp cận thị trường cũng như cạnh tranh lẫn nhau của hai công ty. Apple đặc biệt xem trọng tính “độc nhất vô nhị” trong khâu thiết kế kiểu dáng thiết bị, yếu tố căn bản để công ty này cho phép họ có “quyền” được bán sản phẩm với giá cao và thu lợi khổng lồ.
Ngược lại, bằng việc tập trung phát triển kho bản quyền công nghệ của riêng mình thay vì công tác thiết kế, điểm mạnh của Samsung nằm ở việc tối ưu hóa dây chuyền phụ kiện và linh kiện trong sản phẩm. Đây cũng là yếu tố khiến Samsung – trớ trêu thay – trở thành đối tác gia công và sản xuất phần lớn linh kiện cho Apple nhiều năm qua.
Đến thời điểm hiện tại, thị trường đã cho thấy chiến lược của Apple đang tỏ ra có hiệu quả và sinh lời hơn. Đại gia Hoa Kỳ đang chứng kiến mức tăng trưởng mạnh ở cả lợi nhuận ròng lẫn doanh số đơn vị sản phẩm bán ra. Trong khi đó, Samsung mặc dù bán ra được nhiều thiết bị hơn song đang phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận có chiều hướng đi xuống.
Được biết, nếu ITC công nhận đơn kiện và đánh giá yêu cầu của Samsung là “có cơ sở xem xét”, vụ việc sẽ được giải quyết sau khoảng 18 tháng nữa.
Bình luận (0)