Truyền hình OTT là giải pháp dịch vụ truyền hình qua internet, có cách thức vận hành tương tự các ứng dụng nhắn tin OTT đang rất thu hút người dùng thiết bị số. Để sử dụng, người dùng chỉ cần máy tính, smartphone hoặc smartTV/AndroidTV kết nối với một đường truyền ổn định. Với lợi thế độ phủ rộng, tính tương tác cao, truyền hình OTT đang được nhiều nhà cung cấp hạ tầng mở rộng đầu tư, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng kèm theo như: phim, game show, clip yêu cầu, truyền hình xem lại, karaoke... Các chuyên gia nhận định phương thức này sẽ là xu hướng cập nhật tin tức và giải trí của người dùng trong vài năm tới.
Nhiều nhà đầu tư vào cuộc
Từ khi Việt Nam có mạng 3G vào năm 2009, nhiều dịch vụ truyền hình số trên thiết bị di động kết nối 3G, WiFi bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể xem ở dạng trình duyệt web với tốc độ chậm. Sự bùng nổ smartphone, tablet cũng như các kho ứng dụng OTT như: Viber, WhatApps... đã mở ra cơ hội cho truyền hình OTT.
Năm 2013, các nhà đài đã có một cuộc thử nghiệm lớn với dịch vụ truyền hình OTT, như: VTV, HTV, VTC hay SCTV. Các nhà cung cấp dịch vụ internet cũng nhảy vào lĩnh vực này, gồm: FPT Telecom với FPT Play, VNPT với MyTV Net, VNG có Zing TV...
Hai năm trước, VNPT đã ra mắt dịch vụ truyền hình và giải trí trực tuyến MyTV Net với hơn 80 kênh trong nước và các kênh dịch vụ: phim truyện yêu cầu, TV show, kho âm nhạc, karaoke, kho tin tức, video clip YouTube, chuyên mục hình ảnh Picassa, bóng đá LiveScore... FPT Play là ứng dụng dịch vụ truyền hình OTT cung cấp hơn 100 kênh truyền hình trong nước, quốc tế để người dùng xem trên smartphone, tablet mọi lúc mọi nơi. FPT Play hiện có 5,7 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, 1,8 triệu người thường xuyên dùng ứng dụng trên di động và số lượng ứng dụng đã cài đặt trên các nền tảng đạt mốc 2,5 triệu lượt. Ngoài ra, hơn 3,6 triệu người đã dùng FPT Play trên web, smartTV.
“Với ứng dụng này, người dùng có thể chọn tải trực tiếp nội dung tin tức, bóng đá, TV show mới nhất hoặc được nhiều người xem nhất của các kênh truyền hình. FPT Play là đơn vị truyền hình OTT đầu tiên có bản quyền phát sóng các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh” - ông Phan Thanh Giản, Giám đốc dự án FPT Play, cho biết.
Không dừng lại ở các thiết bị di động, truyền hình OTT còn mở rộng đầu tư cung cấp dịch vụ cho các sản phẩm smartTV. FPT Play hiện có mặt trên các dòng smartTV mới nhất của Sony tại Việt Nam và đã hợp tác để sớm đưa ứng dụng lên các dòng smartTV của Samsung, LG cho người dùng có nhiều lựa chọn. Zing TV, MyTV Net cũng đã hợp tác với LG, Samsung và nhiều hãng sản xuất TV khác, cài sẵn ứng dụng này trên các dòng TV đời mới nhằm giúp người dùng có thể xem video, TV dễ dàng, đa dạng hơn.
Tương tác cao
Theo các chuyên gia, một trong những tính năng truyền hình OTT hấp dẫn hơn TV truyền thống là khả năng tương tác cao. Với FPT Play, người dùng có thể tìm kiếm nội dung theo từ khóa, bình luận, thể hiện cảm xúc, chia sẻ với bạn bè (tính năng like, share trên Google+, Facebook)... Trong khi đó, Zing TV có thể đồng bộ thông tin cá nhân qua tài khoản Zing, chia sẻ video cho bạn bè dễ dàng, tìm kiếm nhanh chóng video yêu thích, theo dõi các chương trình yêu thích qua chức năng “Quan tâm”.
Để khắc phục tình trạng đứng hình do tốc độ đường truyền, FPT Play cho biết đã đầu tư 3.000 máy chủ, bảo đảm tốc độ đường truyền đạt 160 Gigabit/giây và mạng điện toán đám mây với dung lượng 700 TB, giúp ứng dụng hoạt động mượt mà, không bị mất tín hiệu. MyTV Net thì sử dụng đường truyền của VNPT, còn Zing TV có đường truyền tốc độ cao riêng..., có thể đáp ứng tốt nhu cầu người xem.
Theo các nhà phát triển truyền hình OTT, một trong những khó khăn của dịch vụ này hiện nay liên quan đến phí bản quyền. Các dịch vụ như FPT Play đã mua bản quyền Giải ngoại hạng Anh mùa giải 2014-2016, ký kết hợp tác với nhiều nhà đài trong nước, một số kênh của Hàn Quốc. Zing TV, MyTV Net cũng đã hợp tác với nhiều đối tác như: VTV, HTC, YouTube, công ty sản xuất chương trình truyền hình... để cung cấp các chương trình phong phú hơn cho người dùng.
Các chuyên gia nhận định hiện nay, truyền hình OTT không chỉ có lợi cho người dùng mà còn mở ra thị trường cho những doanh nghiệp, nhóm sáng tạo nội dung có chương trình hay cung cấp.
Đổi hướng xem truyền hình
Theo khảo sát năm 2014 tại Việt Nam của hãng eMarketer ở 6 thành phố lớn, thời gian xem TV trung bình mỗi ngày đã giảm từ 140 phút (năm 2008) xuống còn 124 phút (năm 2012). Ngược lại, thời gian trực tuyến mỗi ngày lại tăng từ 44 phút lên 84 phút.
Báo cáo “Xã hội, Số và Di động 2015” của tổ chức We Are Social cho thấy Việt Nam có 40 triệu thuê bao internet và 32,4 triệu người dùng mobile internet, trong đó khoảng 20 triệu người có thói quen xem video trên mobile. Số liệu thống kê cũng cho thấy thói quen xem truyền hình sẽ thay đổi và thị trường truyền hình OTT sẽ phát triển trong vài năm tới.
Bình luận (0)