Tháng 12 năm ngoái, một phần mạng lưới điện của Ukraine bỗng nhiên bị phá hỏng, không ai tuyên bố nhận trách nhiệm nhưng điều tra sau đó nêu khả năng hệ thống điện bị tấn công trực tuyến từ xa. Một số chuyên gia nghi ngờ vụ tấn công phát xuất từ một nơi ở Nga, cách hiện trường khoảng 1.000 km. Đây có thể là lần đầu tiên tin tặc đánh sập mạng lưới điện nhưng là báo hiệu mối đe dọa ngày càng tăng về hiểm họa chiến tranh mạng ảnh hưởng đến người dân.
Theo trang tin Cnet, tấn công mạng có thể được thiết kế để làm tổn hại cơ sở hạ tầng quan trọng như vụ đánh vào mạng lưới điện Ukraine nói trên. Cũng có thể là dạng đánh cắp dữ liệu bí mật quốc gia như vụ trộm dữ liệu cá nhân trong hồ sơ của nhân viên Liên bang Mỹ hồi năm ngoái. Hoặc thậm chí là tấn công nhắm vào công ty tư nhân vì lý do chính trị như trường hợp Sony phát hiện hệ thống của mình bị xâm nhập sau khi công ty này dự tính phát hành bộ phim chế nhạo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hầu hết các cuộc tấn công đều tìm cách tránh bị phát hiện cho nên có thể để lại nghi ngờ liệu bản thân hệ thống của nạn nhân bị lỗi hay đã bị đánh - theo quyển sách được phát hành vào năm 2014 của nhà báo Kim Zetter thuộc nguyệt san Wired mang tên “Đếm ngược về ngày zero: Stuxnet và vụ tấn công đầu tiên trên thế giới bằng vũ khí kỹ thuật số”. Trong hội nghị về thuật toán mã hóa RSA tại TP San Francisco hồi tuần trước, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh đặc nhiệm mạng Mỹ, Đô đốc Michael S. Rogers, bày tỏ lo ngại về nguy cơ cơ sở hạ tầng của Mỹ bị tấn công: “Phải đặt vấn đề là “khi nào” chứ không phải “nếu” có một quốc gia hoặc một nhóm nào đó có hành vi phá hoại nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ”.
Trong khi đó, cựu tướng lĩnh thủy quân lục chiến Mỹ Peter Pace lưu ý rằng vũ khí mạng dễ dùng để tấn công nhưng rất khó chống lại.
Bình luận (0)