Mười năm trở lại đây, hàng loạt nhà lãnh đạo cao cấp và các nhân vật từ những hãng công nghệ quốc tế lẫy lừng đã đến Việt Nam: Bill Gates, lúc đó là Chủ tịch Microsoft (năm 2006); CEO Microsoft Steve Ballmer (2010); John Sculley - cựu CEO Apple, hiện là Chủ tịch kiêm đồng sáng lập hãng Obi Worldphone (2012)... Nhộn nhịp nhất là năm 2015, khi Rajan Anandan - Phó Chủ tịch Google, Mike Cassidy - Phó Chủ tịch Google, được mệnh danh là “vua start-up”, Steve Wozniak - đồng sáng lập và cựu lãnh đạo cấp cao của Apple… cũng đã đến thăm Việt Nam. Tháng 9-2015, Sculley trở lại để ra mắt những chiếc smartphone Obi đầu tiên tại Việt Nam. Họ đến nước ta để tìm, khai phá và củng cố cơ hội kinh doanh tại thị trường còn nhiều tiềm năng. Đây cũng là cơ hội và thách thức cho ngành công nghệ Việt.
Tạo đà cho doanh nghiệp Việt
Có lẽ gây ấn tượng và ngập tràn cảm hứng nhất trong năm 2015 đối với giới khởi nghiệp (start-up) và cộng đồng công nghệ thông tin là hình ảnh ông Sundar Pichai, CEO Google, ngồi uống trà chanh tại quán nước bình dân ở Hà Nội, trò chuyện với Nguyễn Hà Đông - cha đẻ game di động Flappy Bird hôm 22-12-2015. Ông Pichai, 43 tuổi, hồi tháng 10-2015 từ vị trí Giám đốc sản phẩm Google đã chính thức nhận trọng trách CEO Google. Còn Nguyễn Hà Đông, 30 tuổi, đầu năm 2014 gây sốt làng công nghệ khi game di động Flappy Bird đã làm cả thế giới hào hứng và điên tiết với chú chim khó chịu.
Vào tháng 2-2014, trên App Store (cho thiết bị iOS) và Google Play (Android), game Flappy Bird có số lượt tải về tăng chóng mặt, trở thành ứng dụng miễn phí số 1. Hà Đông từ một người trẻ khởi nghiệp đã đột ngột làm cú bứt phá ngoạn mục trở thành một trong số ít triệu phú USD của Việt Nam. Có người ước tính tài sản quy đổi ra tiền của anh hiện nay khoảng 15 triệu USD, tức bằng 1/10 của Pichai. Chưa rõ thực hư thế nào nhưng Tổng cục Thuế đã kiểm tra nguồn thu của Hà Đông và cho biết tới tháng 12-2015, anh đã tự giác nộp thuế 1,4 tỉ đồng. Đó cũng chỉ là số tạm nộp vì có nguồn tin tiết lộ Hà Đông có thể phải nộp tới 10 tỉ đồng thuế.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Appota, cho biết: “Năm 2015 là năm mà sóng start-up tại Việt Nam bắt đầu dâng cao. Đặc biệt, lần này có sự xuất hiện của một số nhà đầu tư trong nước như FPT Ventures, Seedcom... Làn sóng start-up còn được tiếp sức bởi những công ty thành công quay trở lại hỗ trợ cho những start-up mới. Số lượng quỹ đầu tư dưới 200.000 USD cũng đang tăng lên. Gần đây, các công ty đầu tư trong nước hay các vườn ươm đã tích cực tìm kiếm các dự án tiềm năng. Đó là tín hiệu tốt cho các dự án start-up”.
Còn đó những nỗi lo
Nghiệt ngã là trong khi khiến cả thế giới mê như điếu đổ, chú chim Flappy Bird lại phải “bỏ mạng sa trường” trước làn sóng “dập liễu vùi hoa” của vô số “thánh bàn phím” và cách xử sự thiếu nâng đỡ của một số cơ quan chức năng trong nước. Ngoài xã hội, không ít kẻ “ghen ăn tức ở” đã đưa cha con chú chim lên bàn mổ, săm soi chuyện bản quyền khi có sử dụng một số chi tiết trông giống game lừng danh Mario của Nintendo.
Theo trang công nghệ The Verge, ứng dụng miễn phí, game Flappy Bird đã mang về cho tác giả khoảng 50.000 USD mỗi ngày từ nguồn thu quảng cáo. Tuy nhiên, chịu không nổi trước sóng gió dư luận, Hà Đông đã phải gỡ bỏ game Flappy Bird ra khỏi 2 dịch vụ ứng dụng di động lớn nhất thế giới hồi tháng 2-2014. Anh cho biết muốn tìm sự bình an và có thể tập trung phát triển các dự án game mới của mình. Sở dĩ nhắc lại điển hình này vì Hà Đông là một trong vài người Việt hiếm hoi được CEO Google mời gặp tay đôi và chúng tôi muốn cộng đồng công nghệ lẫn các cơ quan chức năng rút ra những bài học “tốt cho tất cả” từ trường hợp Flappy Bird .
Tại một quán cà phê ở Hà Nội hôm 22-12-2015, nói chuyện với khoảng 200 người, ông Pichai đánh giá những start-up Việt Nam có tố chất và hoàn toàn có thể thành công trên đẳng cấp toàn cầu, vấn đề là thời gian. Để ngành công nghệ Việt Nam khởi sắc, để các doanh nghiệp phải đứng được ngay trên thị trường nước mình, đòi hỏi từ các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cho tới người dùng phải chung sức xây dựng. Ngành công nghệ cũng chẳng thể tách mình ra khỏi cái nền tảng kinh tế chung. Trong khi đó, ngành công nghệ lẫn thị trường công nghệ ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Theo ông Đỗ Tuấn Anh, so sánh chính sách hỗ trợ, các thủ tục pháp lý liên quan đến start-up và quỹ đầu tư tại Việt Nam với các nước trong khu vực sẽ thấy các start-up Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi, gần như không có ưu đãi cụ thể nào. Ngoài ra, vòng luẩn quẩn, nhập nhằng của thủ tục pháp lý khiến các start-up Việt Nam sớm bị hụt hơi vì lo chạy giấy tờ, không còn thời gian chuyên tâm phát triển sản phẩm, nhà đầu tư theo đó cũng không còn nhiệt huyết cho dự án.
Nhà khởi nghiệp Việt có khả năng bám trụ tốt
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp 2014 cho thấy tỉ lệ từ bỏ kinh doanh ở người Việt Nam thấp hơn các nước, nghĩa là khả năng bám trụ của doanh nghiệp Việt tốt hơn. Khoảng 100 người tham gia kinh doanh thì chỉ 23 người bỏ.
Hiện có khoảng 28 start-up tạm xem là thành công - định giá từ 10 triệu USD, doanh thu từ 2 triệu USD, có từ 100 nhân viên, đã gọi vốn vòng 2 hoặc bán được công ty với giá tốt. Trong số 28 start-up này, độ tuổi trung bình khi khởi nghiệp là 28,8, 78% từng làm thuê hoặc khởi nghiệp thất bại, 45% từng học hoặc làm việc tại nước ngoài.
C.Trung
Bình luận (0)