Biếu không thông tin cá nhân khi đi mua hàng
Sự thờ ơ của phần lớn người tiêu dùng mà với họ việc bảo vệ dữ liệu cá nhân không có hay chỉ có tầm quan trọng rất ít đã khiến những thông tin như tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ, email,... được cung cấp dễ dãi ngay trong các giao dịch mua bán thông thường.
Một người vào siêu thị mua đồ cũng có thể dễ dàng cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho người bán hàng đơn giản chỉ để nhận thông báo khi... có hàng, thông tin các chương trình khuyến mại, tích điểm để nhận giảm giá,... Và siêu thị hay một đại lý bán hàng nào đó theo thời gian đã có trong tay một danh sách thông tin các khách hàng dài dằng dặc.
Không chỉ với các giao dịch trực tiếp, các kênh mua bán trực tuyến cũng tranh thủ việc thu thập thông tin cá nhân người dùng một cách triệt để. Với mỗi giao dịch mua bán sản phẩm tại các shop online, khách hàng thường ngay lập tức phải cung cấp tên, số điện thoại, địa chỉ,... để nhận hàng.
Nếu có chương trình khuyến mãi, việc lấy thông tin cá nhân của các "thượng đế" lại càng dễ dàng hơn. Để nhận được các khuyến mại từ cửa hàng hay các hãng, một trong những yêu cầu bắt buộc đầu tiên là khách hàng phải cung cấp các thông tin cá nhân. Trong trường hợp này, người tiêu dùng thường dễ dàng cung cấp tên, số điện thoại và địa chỉ cho nhân viên bán hàng.
Những thông tin thu thập từ khách hàng sẽ được phân loại với các nhóm sản phẩm hoặc tiềm năng mua sắm để phù hợp với nhu cầu khai thác của cá nhân hay doanh nghiệp có sản phẩm tương ứng.
Điều này dễ hiểu vì sao bạn sẽ nhận được những chào mời của các công ty sữa nếu đã từng cung cấp thông tin cá nhân cho một cửa hàng hay siêu thị trong một lần mua sữa cho con. Bạn cũng sẽ được "chăm sóc" kỹ lưỡng bởi các sàn bất động sản sau một giao dịch mua bán nhà mà bạn đã cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân cho bên bán...
Nguy cơ rò rỉ từ nhiều cách thức khác
Trên lý thuyết, khi thông tin cá nhân của người dùng được cung cấp ở bất kỳ đâu, thì nguy cơ bị lộ, hoặc bị "tuồn" cho bên thứ 3 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tình huống lộ thông tin cá nhân khi bị hacker tấn công hiện nay khá phổ biến do thông tin cá nhân của người dùng được cung cấp cho những dịch vụ có mức độ bảo mật còn kém. Hay các thiết bị của người dùng bị phần mềm độc hại tự động thu thập và lấy trộm thông tin.
Với rất nhiều dịch vụ mà người dùng tham gia, họ buộc phải khai báo thông tin cá nhân và yên tâm với chính sách bảo mật thông tin của bên cung cấp dịch vụ. Thế nhưng, bạn cũng không còn lạ với vụ việc hacker có thể dễ dàng "thọc tay" vào hệ thống bảo mật để "rút ruột" toàn bộ thông tin người dùng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thông tin cá nhân của bạn đã rơi vào tay người khác vô phương cứu chữa.
Ngay cả các công ty hàng đầu thế giới như Sony, eBay, Amazon, Apple,... cũng không dám chắc việc bảo đảm an toàn tuyệt đối thông tin cá nhân người dùng.
Điển hình là vụ hơn 70 triệu người dùng của mạng PlayStation Network (PSN) và cửa hàng trực tuyến Qriocity được Sony báo tin rằng các hacker có thể đã nắm được các thông tin cá nhân của họ hồi đầu năm 2011.
Trang thương mại điện tử eBay cũng từng để lọt thông tin cá nhân của 145 triệu người vào tay hacker hồi đầu năm 2014, bao gồm cả mật khẩu cũng như tên, địa chỉ email, địa chỉ nhà, số điện thoại, ngày sinh…
Đó là chưa kể nhiều hãng dịch vụ sẵn sàng bán thông tin cá nhân qua "cửa sau" cho bên thứ 3.
Vì thế, các hoạt động trên mạng internet, đăng ký tham gia các diễn đàn, nộp hồ sơ xin việc, đăng ký các tài khoản online, tài chính ngân hàng, các dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, điện, nước sinh hoạt,... của mỗi cá nhân cũng đều đứng trước rủi ro thông tin của mình bị rò rỉ và lợi dụng.
Bình luận (0)