Mạng lưới internet phổ cập, hạ tầng 3G ổn định và sự bùng nổ các thiết bị di động đã thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam phát triển. Điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet) không chỉ liên lạc và xem thông tin mà còn dùng để tương tác giữa nhà bán lẻ với người tiêu dùng. Mua bán trên di động gần đây có bước chuyển mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia với hàng loạt sàn giao dịch trên di động xuất hiện phục vụ người tiêu dùng.
Xu hướng mua sắm chủ đạo
Ông Trương Võ Tuấn, Chủ tịch HĐQT sàn giao dịch MuaBanNhanh.com, cho biết: “Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng người sử dụng smartphone (theo khảo sát của Flurry) và 30% dân số nằm ở độ tuổi từ 15-35, mua sắm bằng di động sẽ là xu hướng mua sắm trực tuyến chủ đạo ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi tập trung đầu tư phát triển các ứng dụng trên di động như gửi tin nhắn và gọi điện miễn phí giúp cho việc trao đổi mua bán được thực hiện nhanh, tiết kiệm chi phí. MuaBanNhanh.com cũng tích hợp phần mềm bán hàng và quản lý trực tuyến dành cho các doanh nghiệp bán lẻ, cửa hàng, hộ tiểu thương, người dùng… kinh doanh trên di động. Để bán hàng, người bán dùng smartphone chụp, chỉnh sửa ảnh, viết mô tả sản phẩm dễ dàng như đăng trạng thái trên Facebook”.
Theo ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc sàn Sendo.vn, TMĐT trên di động sẽ là động lực phát triển của ngành TMĐT Việt Nam. Các trang mua bán trực tuyến tên tuổi như Amazon, eBay cũng tập trung đẩy mạnh các ứng dụng trên di động. Lượng truy cập Sendo năm 2014 qua điện thoại là 30%, năm 2015 tăng gấp đôi và dự kiến con số này sẽ tăng lên 75% trong năm 2016. Sendo vừa ra mắt ứng dụng Sendo App cho smartphone, có nhiều tính năng khác biệt so với phiên bản web.
Sendo App cho phép người dùng theo dõi tình trạng đặt hàng và đơn hàng của mình trong suốt quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, khách hàng có thể tìm kiếm sản phẩm bằng giọng nói hoặc thông qua QR Code. Đây là những tính năng nổi bật mà chỉ khi dùng smartphone người dùng mới có thể trải nghiệm được. Theo bà Lê Ngọc Hạnh, Giám đốc mảng di động của Lazada, thời gian qua, đơn hàng đến từ mảng này tăng 200 lần, doanh thu tăng 4 lần. Riêng tháng 7-2015, khách hàng khối di động của Lazada đã chiếm gần 50%.
Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương - khẳng định: “Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, tổng thời gian online trên thiết bị di động của người dùng chiếm 1/3; 58% lượng truy cập từ 18 giờ - 23 giờ. Các dịch vụ ngân hàng - thanh toán, tương tác, nội dung số, ứng dụng, trò chơi, quảng cáo, mua sắm qua thiết bị di động… đang trở thành một trào lưu, xu hướng phổ biến bởi tính thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng. Đặc biệt, đặc tính định vị của smartphone đã làm thay đổi cách thức giao dịch TMĐT theo hướng tiện ích, nhanh chóng hơn”.
Cải thiện khâu thanh toán, giao hàng
Trong 2 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục “nhảy” vào thị trường TMĐT di động Việt Nam. Chính vì thế, các nhà đầu tư trong nước buộc phải tăng cường đầu tư, triển khai các ứng dụng và nhanh chóng hoàn thiện giải pháp công nghệ để cạnh tranh thị phần. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đầu tư, hoàn thiện khâu thanh toán di động, giao hàng vì đây là những khâu quan trọng trong TMĐT góp phần tạo sự tiện lợi, nhanh chóng cho người tiêu dùng.
Ông Đỗ Văn Khôi, Tổng Giám đốc MPOS Việt Nam, cho biết: MPOS Việt Nam đã kết hợp với VietinBank cho ra mắt thiết bị thanh toán di động MPOS cho smartphone, tablet chạy Android, iOS. Đây là thiết bị cà thẻ gắn vào smartphone, tablet để thực hiện thanh toán thay cho máy POS thông thường.
Người bán hàng tải ứng dụng MPOS từ các kho ứng dụng di động về cài đặt, đăng ký tài khoản trên smartphone. Khi thanh toán, khách hàng chỉ cần đưa thẻ ATM, thẻ tín dụng Visa, MasterCard… vào máy MPOS để quét thông tin thanh toán. Chỉ cần 10 giây để hoàn tất các thao tác thanh toán cho khách hàng và khách hàng sẽ ký tên lên màn hình ảo của smartphone, tablet và cung cấp địa chỉ email để gửi hóa đơn điện tử cho khách hàng.
Ông Lương Duy Hoài, CEO Giaohangnhanh.vn, nhận định: “Khi smartphone và App đã có thể giúp khách hàng đặt hàng, theo dõi hành trình giao hàng như hiện nay thì dịch vụ giao hàng trong thời gian ngắn sẽ bùng nổ. Cụ thể, khách hàng không phải đợi đến 2 ngày mới nhận được hàng mà muốn nhận hàng trong vài giờ. Do vậy, các đơn vị giao nhận đang dốc lực đầu tư để triển khai dịch vụ giao hàng ngay. Smartphone với chức năng đồng bộ hóa, tối ưu thanh toán, định vị, theo dõi hành trình... là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho giao nhận. Công nghệ di động với những tính năng nổi trội sẽ giúp người dùng cập nhật thông tin ngay khi đang ở nhà vẫn biết chính xác lúc nào sẽ nhận được hàng và cả lộ trình của người giao hàng.
Doanh thu từ di động ngày càng cao
Theo số liệu từ tờ The Times of India, 1 tỉ USD doanh thu toàn công ty của Snapdeal, thương hiệu TMĐT lớn nhất Ấn Độ, có 65% tổng số đơn hàng được đặt qua di động; 70% tổng người dùng Limeroad (một trang mua hàng trực tuyến lớn của Ấn Độ) tới từ di động. Đặc biệt, đối tượng này có hành vi tương tác nhiều gấp ba lần và khả năng mua hàng cao hơn hẳn người dùng đến từ máy tính bàn. Doanh thu từ TMĐT trên di động tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chiếm gần 50%. Theo Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2014, ước tính doanh thu phân khúc này đạt 2,97 tỉ USD, tăng 35% so với năm 2013 và chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước, dự báo năm 2015 sẽ đạt hơn 4 tỉ USD.
Bình luận (0)