Theo một chuyên gia viễn thông tại TP HCM, công nghệ 4G không chỉ để lướt web, kiểm tra email mà chủ yếu để xem TV, video, truyền dữ liệu dung lượng lớn... Nếu nhà mạng và các đơn vị làm nội dung số (NDS) không theo kịp các nước, không nhanh chóng có những dịch vụ hấp dẫn, tiện ích đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dùng thì sẽ khó cạnh tranh, tồn tại trên thị trường ngày càng khốc liệt này.
Xu thế tất yếu
Trong bối cảnh doanh thu dịch vụ nhắn tin SMS, thoại trong vài năm gần đây liên tục giảm mạnh, các nhà mạng đã hợp tác với các công ty công nghệ, nhà cung cấp NDS bắt đầu tung ra các dịch vụ: ứng dụng di động, dữ liệu, giá trị gia tăng… cung cấp cho người dùng.
Viettel cho biết nhiều năm trước, Viettel đã cho ra sản phẩm thanh toán điện tử BankPlus hỗ trợ người dùng mua bán trên mobile và hiện đang đẩy mạnh các dịch vụ xem video, nghe nhạc trực tuyến, cung cấp tin tức, OTT Mocha... Mới đây, VNPT Media cũng đã ra mắt ứng dụng CeeMe - Kết nối thần tượng dành riêng cho cộng đồng fan của các ngôi sao trong lĩnh vực giải trí, đáp ứng nhu cầu giao lưu của giới trẻ và xu thế trải nghiệm dịch vụ thực tế của người dùng. CeeMe được triển khai trên mạng băng rộng 3G/4G của VNPT và truyền dữ liệu thông qua hệ thống CDN (mạng phân phối nội dung), kết nối với mạng lõi của VNPT phủ khắp cả nước. Ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Công ty VNPT-VAS, cho biết: “Công nghệ 4G cho phép triển khai hiệu quả các ứng dụng có tính tương tác cao, truyền tải tối ưu hình ảnh live stream và người dùng có thể cảm nhận trực quan những trải nghiệm riêng tư”.
Nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ cũng ráo riết hợp tác với các nhà mạng, xây dựng các ứng dụng, cung cấp các dịch vụ NDS cho người dùng. Cổng thanh toán điện tử MoMo, Ngân Lượng, Payoo đã lần lượt hợp tác với các nhà mạng, ngân hàng, hãng hàng không… cung cấp các dịch vụ, như: mua hàng, thanh toán, xem phim trên các thiết bị di động. Mới đây, Fim+ (thành viên Công ty Galaxy ME) hợp tác với MobiFone tung ra gói Video Data Fim30 cung cấp dịch vụ xem phim có bản quyền chất lượng cao thông qua thuê bao 3G, 4G của nhà mạng này.
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đa phương tiện và Giá trị gia tăng MobiFone, cho biết: “Sự chuyển dịch từ dịch vụ viễn thông truyền thống sang NDS là xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi các nhà mạng phải thay đổi cách tiếp cận, cách làm và thậm chí thay đổi cơ chế chính sách và mô hình kinh doanh để đáp ứng nhu cầu người dùng. Cụ thể là từ khai thác dịch vụ SMS, đàm thoại sang video, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các ứng dụng trong SmartHome, SmartCar, SmartCity”.
Sản phẩm phải hấp dẫn
Một chuyên gia tiếp thị số cho biết: “Thị trường NDS hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt bởi các đối thủ nước ngoài rất mạnh, có kinh nghiệm. Để thu hút người dùng, các nhà mạng trong nước nên đẩy mạnh hợp tác với các nhà cung cấp NDS để giảm giá thành các ứng dụng, dịch vụ. Đặc biệt khi phát triển, các sản phẩm phải sáng tạo, hấp dẫn, tiện ích cho người dùng”.
Theo các chuyên gia viễn thông, tiếp thị số, thay vì cạnh tranh với DN NDS nhỏ lẻ, các nhà mạng cần tập trung tạo các hệ sinh thái trên nền tảng hạ tầng, xây dựng một thị trường cạnh tranh lớn trên nền tảng của mình, cho phép nhà cung cấp NDS tự do sáng tạo để tạo môi trường phát triển bền vững. Trước sự thay đổi về xu hướng công nghệ, MobiFone và các nhà mạng cũng đã có sự dịch chuyển về mô hình tổ chức, như: Lập trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng, trung tâm nghiên cứu phát triển… Bên cạnh đó, nhà mạng này cũng đẩy mạnh hợp tác với các nhà phát triển dịch vụ NDS chuyên sâu trên thế giới để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có giá trị, phát triển công nghệ video 4K; áp dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây… nhằm phân tích độ tuổi, giới tính, hành vi khách hàng...
Doanh thu nội dung số tăng “chóng mặt”
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết năm 2015, doanh thu của công nghiệp NDS Việt Nam ước đạt trên 1,5 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2014. Ngành công nghiệp này đang thu hút hơn 4.500 DN tham gia sản xuất và tạo ra việc làm cho hơn 70.000 lao động. Theo dự báo của Gartner, vào năm 2020, sẽ có hơn 20 tỉ thiết bị kết nối vào mạng internet vạn vật (IoT) toàn cầu. Trong khi đó theo Cisco, đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỉ đồ vật kết nối vào internet, bao gồm hàng tỉ thiết bị di động, TV, máy giặt, xe hơi… Dự báo đến năm 2020, IoT sẽ tạo ra 4.000 tỉ USD doanh thu, hơn 25 triệu ứng dụng, hơn 25 tỉ hệ thống nhúng và hệ thống thông minh và 50.000 tỉ Gigabyte dữ liệu. Chỉ riêng năm 2002, tổng doanh thu của ngành NDS trên toàn cầu là 172 tỉ USD, năm 2006 là 430 tỉ USD và năm 2014 là xấp xỉ 1.700 tỉ USD. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá sẽ có doanh số tăng mạnh nhất.
Bình luận (0)