Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về việc rút ngắn thời gian cho DN hoàn thành các thủ tục về thuế, đạt mức trung bình với thời gian của các nước ASEAN (các nước ASEAN hiện là 171 giờ, còn Việt Nam là 376 giờ), ngày 25-8, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 119 có nhiều sửa đổi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, chứng từ nộp thuế… với mục tiêu đơn giản hóa tất cả các thủ tục hành chính trong hồ sơ khai thuế, giảm giờ khai thuế cho DN.
Muôn nẻo vướng mắc
Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh máy tính, các thiết bị điện tử, Công ty Anh Phương cho hay theo quy định hiện nay, khi gửi hàng ra nước ngoài bảo hành, khi nhận về hàng phải đúng số serial. Tuy nhiên, trên thực tế, các hãng sản xuất hầu như không sửa chữa mà đa số là đổi cái khác cho đại lý, do vậy số serial của sản phẩm gửi về khác với sản phẩm gửi đi. Trong trường hợp này, phía hải quan sẽ không cho nhận hàng và yêu cầu phải làm hồ sơ gửi Bộ Thông tin & Truyền thông xin xác nhận. Thời gian giải quyết việc này phải mất vài tháng, điều đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của DN phân phối hoặc các trung tâm bảo hành.
Liên quan đến những vướng mắc trong bảo hành, Công ty Anh Phương còn cho hay khi gửi máy đi bảo hành, phía hải quan yêu cầu và bắt ký xác nhận là không có PIN trong thiết bị mới đồng ý cho làm thủ tục gửi hàng đi. Trong khi đó, theo nguyên tắc bảo hành của các hãng sản xuất thì phải giữ nguyên thiết bị, không tháo rời, không gỡ bỏ mới được bảo hành.
Các Doanh nghiệp CNTT - Điện tử
Công ty máy tính Thành Nhân gặp vướng mắc về việc giảm hàng tồn kho. Theo DN này, sản phẩm công nghệ tuổi đời ngắn, công nghệ mới cập nhật quá nhanh, chỉ sau khoảng 6 tháng là sản phẩm xem như đã lỗi thời, giá bán theo đó cũng giảm đi đáng kể, sau 12 tháng sản phẩm càng khó bán. Hơn nữa, theo quy định hiện hành không cho giảm giá bán dưới giá nhập (vốn), nếu bán thì bị phạt, vì thế DN cứ để hàng tồn, ứ đọng vốn mà không dám bán. Đơn vị này đề xuất, nhà nước nên cho phép giảm giá bán sản phẩm sau 6 tháng nhập khẩu vào Việt Nam theo lộ trình: 6 tháng giảm 20% trên giá vốn, sau 9 tháng giảm 35%, sau 12 tháng giảm 50%, sau 18 tháng giảm 70% và sau 24 tháng giảm 90%.
Công ty TNHH MTEX Việt Nam nêu: Trong Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 5-7-2014 của Bộ Khoa học Công nghệ về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thì việc quy định số năm sử dụng và chất lượng còn lại mang nhiều cảm tính, không phù hợp với sự đa dạng ngành nghề. Điều này khiến phát sinh thêm các chi phí và ảnh hưởng giá thành sản phẩm. Công ty TNHH Giải pháp số toàn cầu ý kiến về việc bắt buộc tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi nộp hồ sơ đăng ký thuế ban đầu dành cho các DN mới thành lập không đủ điều kiện để tự nguyện đăng ký được áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
Đại diện KCX-CN Tân Thuận kiến nghị bộ, ngành trung ương cũng như các sở ban ngành thành phố nên ủy quyền đầy đủ hơn cho BQL các KCX-CN để có thể rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DN. Bởi các DN phần mềm hoạt động trong khu KCX-CN Tân Thuận không có hàng hóa ra vào cổng hải quan, do một số không phải DN chế xuất, nên khi cấp phép đầu tư BQL phải có ý kiến của đơn vị Hải quan, thủ tục này làm chậm thời gian cấp phép đầu tư, dẫn tới các nhà đầu tư nản lòng chuyển sang đầu tư nước khác.
Giải đáp thỏa đáng
Hội nghị diễn ra với sự tham gia chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, cùng đại diện các Cục Thuế, Cục Hải quan, các sở ban ngành liên quan. Những thắc mắc của DN đã được các cơ quan hữu quan trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp một cách rất rõ ràng, thỏa đáng. Theo chỉ đạo của ông Lê Mạnh Hà, các vướng mắc chưa được giải đáp, các kiến nghị, đề xuất của DN sẽ được ghi nhận, tổng hợp gửi đến bộ ngành trung ương xem xét để có hướng giải quyết cụ thể cho từng DN.
Các đề xuất của DN được xem là một trong những cơ sở để thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; cũng như Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 9-6-2014 Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó có ngành công nghiệp điện tử.
Bình luận (0)