xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sức hút gia công phần mềm

Bài và ảnh: CHÁNH TRUNG

Ngành gia công phần mềm Việt Nam đang tạo sự chú ý của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên thế giới

Hội nghị Phát triển gia công công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 14 đến 16-10-2015. Dự kiến sự kiện này sẽ thu hút trên 150 công ty công nghệ cao đa quốc gia, 200 doanh nghiệp (DN) ủy thác dịch vụ CNTT (ITO) và các DN nước ngoài có nhu cầu thuê ITO tham gia. Đây là dịp để DN ITO Việt Nam gặp gỡ, giới thiệu tiềm lực và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty công nghệ thế giới.

Nhiều lợi thế cạnh tranh

Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, Việt Nam là một trong những lựa chọn cạnh tranh nhất trên thế giới về gia công phần mềm bởi chi phí nhân công chỉ bằng một nửa so với Ấn Độ; tính ổn định nhân sự của DN cũng cao hơn các quốc gia khác. Việt Nam đang ở trong độ tuổi dân số vàng (từ 10-24, chiếm 40% dân số cả nước).

Sản xuất phần mềm tại FPT Software TP HCM
Sản xuất phần mềm tại FPT Software TP HCM

Phân tích những lợi thế của ngành ITO Việt Nam tạo nên sức hút trên thị trường toàn cầu, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, cho biết: “Cộng đồng DN công nghệ cao châu Á đã chọn Việt Nam là điểm đầu tư lâu dài, trong đó có Intel, Samsung, LG, Canon, Panasonic… đã đến đặt nhà máy sản xuất; HP, Cisco, Toshiba, Sony, Boeing… đã chuyển phần nghiên cứu và phát triển về Việt Nam. Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ thuật cao dồi dào với trên 40.000 cử nhân CNTT hằng năm. Bên cạnh ưu đãi về thuế và chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ còn có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh vào các khu công nghệ cao, khu phần mềm. Giá dịch vụ ITO tại Việt Nam gần đây dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn Đông Âu và Ấn Độ. Tỉ lệ lạm phát thấp hơn 10% hằng năm là lợi thế so sánh quan trọng của Việt Nam”.

Bà Lương Thanh Bình - Trưởng Phòng Truyền thông và Đối ngoại, Công ty FPT Software - cho biết: Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn từ thị trường ITO thế giới. Đó là sự thay đổi của các xu hướng công nghệ mới và nhu cầu thị trường. Tại thị trường Mỹ, các công ty cung cấp dịch vụ CNTT Việt Nam đang có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với những công ty công nghệ lớn đến từ Ấn Độ, Trung Quốc. Việt Nam đang được các DN Nhật Bản chọn là điểm đến ưu tiên số 1 về ITO. Theo Sách trắng về nhân sự CNTT 2014 của Cơ quan Xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA), có tới 31,5% công ty Nhật Bản có ý định ủy thác dịch vụ CNTT sang Việt Nam, trong khi con số này đối với Ấn Độ là 20,6% và Trung Quốc 16,7%.

Thương hiệu chưa mạnh

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công viên Phần mềm Quang Trung QTSC, tuy ITO Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhưng sản phẩm chưa thể so với các nước do chúng ta đi sau trong các hoạt động ứng dụng CNTT. “ITO Việt Nam chưa có quy mô xứng tầm với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính là hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại còn ít và chưa hiệu quả nên khách hàng nước ngoài ít biết về ITO Việt Nam. Phần lớn các công ty phần mềm quy mô nhỏ và không có điều kiện tiếp thị ở nước ngoài. Khách hàng than phiền rất khó tìm thông tin về ngành phần mềm Việt Nam bằng tiếng Anh, tiếng Nhật trong khi Ấn Độ, Malaysia, Philippines thường thuê các tổ chức tư vấn quốc tế làm báo cáo về tiềm năng của ngành để quảng bá” - ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TMA, đánh giá.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, nhà nước nên hỗ trợ DN ITO quảng bá ra thị trường thế giới, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để tô đậm hình ảnh thành công của ITO Việt Nam, đặc biệt ưu tiên cho những DN lớn (từ 1.000 người trở lên).

Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Vietnam, nhận định: “Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện số lượng và chất lượng nguồn nhân lực qua các chương trình đào tạo gắn với thực tiễn. Ngoài nhân lực CNTT trình độ đại học, cần tập trung vào cao đẳng đào tạo nghề để có thêm nguồn nhân lực phù hợp cho sự phát triển nhanh của ITO. Cần chú trọng gắn kết với DN trong đào tạo, phổ biến các chuẩn nghề CNTT quốc tế để người học luôn cập nhật kiến thức, nhanh chóng thích nghi với môi trường công nghệ đang thay đổi”.

Bà Lương Thanh Bình đề xuất: “Chúng ta cần đội ngũ nhân lực mạnh để khai thác tối đa cơ hội đến từ các thị trường (nhất là Nhật Bản), nhà nước nên cho phép đào tạo văn bằng 2 ngành CNTT 1,5-2 năm cho cử nhân các ngành kỹ thuật, khoa học tự nhiên, các trường đào tạo CNTT được mở lớp kỹ sư CNTT bằng tiếng Nhật”.

Cùng quan điểm, ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Global Cybersoft Việt Nam, cho rằng cấp thiết phải cải thiện kỹ năng tiếng Anh/Nhật, khả năng giao tiếp cho đội ngũ nhân lực để có thể tiếp nhận kiến thức và làm việc với đối tác nước ngoài.

Việt Nam dẫn đầu các điểm đến hấp dẫn về BPO

Theo báo cáo năm 2015 do Tholons - tổ chức chuyên tư vấn đánh giá xếp hạng về ITO - TP HCM (hạng 18) và Hà Nội (hạng 20) đều lọt vào Top 100 địa điểm hấp dẫn hàng đầu về ITO. Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên đạt vị trí số 1 trong các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình DN (BPO) trên toàn thế giới. Theo Sách trắng CNTT 2014, ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số đã có những bước chuyển khả quan với tổng doanh thu khoảng 2,6 tỉ USD, tăng trưởng tương ứng là 12,7% và 13,9% so với năm 2013.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo