Ngày 22-7, UBND TP HCM, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG đã tổ chức hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT) 2015 nhằm trao đổi, đánh giá về thực trạng và những bước phát triển mới của CPĐT cũng như đề xuất các sáng kiến ứng dụng công nghệ tạo đà cho những chuyển biến lớn trong phát triển CPĐT, xây dựng hệ thống giao thông thông minh (GTTM) và y tế điện tử (YTĐT) tại Việt Nam.
Cần hệ thống thông suốt
Theo báo cáo khảo sát CPĐT năm 2014 của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam xếp 99/193 quốc gia về chỉ số phát triển CPĐT, tại châu Á xếp 26/47, vượt qua Malaysia và Thái Lan. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết: “Từ năm 2010-2015, TP HCM đã triển khai mô hình chính quyền điện tử nhằm nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và quản lý hiệu quả hệ thống hạ tầng, nội dung thông tin hỗ trợ cho việc điều hành thành phố. Kết quả đến nay, 100% quận, huyện và 48/66 đơn vị sở ban, ngành đã được triển khai 6 phần mềm thuộc nhóm môi trường làm việc điện tử. Có 31 đơn vị (24 quận, huyện) tham gia một cửa điện tử”.
TP Đà Nẵng cũng áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT)vào cải cách thủ tục hành chính ở các quận, huyện. TP Đà Nẵng đã triển khai mô hình trung tâm dữ liệu đám mây để hỗ trợ hạ tầng CPĐT. Tại Việt Nam, Microsoft cũng đã giới thiệu CityNext, bộ giải pháp lấy công dân làm trọng tâm, nhằm trao quyền cho chính quyền đô thị, tổ chức, DN và công dân xây dựng và phát triển các cộng đồng tương lai theo hướng năng động hơn.
Ông Đậu An Phúc, Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM, nhìn nhận: “TP đang xây dựng hệ thống GTTM nhưng vẫn chưa có trung tâm điều hành giao thông đô thị tập trung để kết nối quản lý các hệ thống điều khiển giao thông toàn địa bàn”.
Về thực trạng ứng dụng CNTT tại các bệnh viện TP HCM, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đánh giá: “Các bệnh viện đã nâng cấp, cải thiện hệ thống CNTT, tuy nhiên ứng dụng chưa hoàn chỉnh, đồng bộ và chưa khai thác dữ liệu hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành. Chỉ có 10 bệnh viện (chiếm 11%) có ứng dụng ở mức khá trở lên. Nhiều bệnh viện hạng 1 có mức đầu tư CNTT chưa tương xứng với quy mô bệnh viện”.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng “ứng dụng CNTT ở các cấp chính quyền hiện nay trong trạng thái “có đi nhưng còn chậm” và đã đến lúc cần một hệ thống tổng thể để triển khai thông suốt từ trên xuống dưới, không thể để rời rạc, đôi lúc bị tắc nghẽn như hiện nay. Để CPĐT hoạt động tốt thì tất cả tỉnh, thành phải triển khai hệ thống xử lý văn bản điện tử, đồng thời thực hiện xuyên suốt từ các cấp xã, phường đến huyện, tỉnh và Chính phủ. Có như vậy thì công tác điều hành mới nhanh chóng và đạt hiệu quả cao”.
Tiếp tục hoàn thiện
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, hạ tầng CNTT của TP HCM đã tập trung, tuy nhiên cơ sở dữ liệu vẫn phân tán, chưa có dữ liệu lớn để khai thác hiệu quả. Từ nay đến năm 2020, TP HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3, 4), hệ thống cung cấp thông tin phục vụ điều hành, quản lý của TP.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết 2015 là năm kết thúc giai đoạn đầu tiên trong lộ trình ứng dụng Hệ thống GTTM (ITS) do Bộ Giao thông Vận tải ban hành. Ở Việt Nam, ITS đã bắt đầu được triển khai trong những năm gần đây. Tuy nhiên, quá trình này cũng còn nhiều vấn đề cần khắc phục, đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường hợp tác, trao đổi với các nước trên thế giới để hoàn thiện và đẩy nhanh tiến trình ứng dụng ITS.
Theo thống kế năm 2014, ứng dụng phần mềm tin học ở bệnh viện tuyến trung ương là 100%, tuyến tỉnh là 68% và tuyến huyện 61%. Ngành y tế đang triển khai kế hoạch phát hành thẻ bảo hiểm YTĐT vào năm 2018 nhằm giảm thủ tục rườm rà và tăng hiệu quả khám chữa bệnh. Tuy nhiên, ứng dụng YTĐT của các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay mới dừng lại ở việc khai thác công việc văn phòng, thống kê, báo cáo với từng phần riêng lẻ như: quản lý nhân sự, viện phí, quản lý kho dược, bệnh nhân ra vào viện...
Ông Callum Bir, Giám đốc khối Dịch vụ xã hội và Y tế hãng Microsoft, phân tích về lợi ích của YTĐT: “Các sản phẩm công nghệ cải tiến trong lĩnh vực y tế giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho cả các bác sĩ. Các bác sĩ và bệnh nhân có thể sử dụng rất nhiều thiết bị để truy cập thông tin từ bất kỳ đâu và khi nào”.
Chú trọng con người, hạ tầng
Ông Nguyễn Quang Trung - tiến sĩ ngành quản trị công, giảng viên ĐH Mở TP HCM - cho biết: “Xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng CPĐT hiệu quả thì vai trò lãnh đạo phải là tiên quyết, phải có sự cam kết cao, báo cáo thường xuyên, đồng thời phải am hiểu và sát cánh khi thực hiện. Ngân sách cần được quy định một tỉ lệ cụ thể, ưu tiên phân bổ để bảo đảm tính liên tục, cần tìm kiếm thêm nguồn tài trợ trong và ngoài nước hay có thể sử dụng các khoản vay ưu đãi. Mặt khác, cần tăng cường khả năng tiếp cận các công cụ và dịch vụ CNTT (hạ tầng mạng, máy tính, thiết bị di động có kết nối internet). Các dự án CPĐT cần có vị trí cao trong các ưu tiên của tỉnh, thành phố. Xác định và đánh giá đối tượng sử dụng dịch vụ (người thụ hưởng) kỹ lưỡng trước khi triển khai bất kỳ dịch vụ nào.
Bình luận (0)