Theo báo cáo của Ban soạn thảo Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, dịch vụ này có 2 mô hình quản lý dữ liệu là mô hình phân tán và mô hình tập trung. Với mô hình phân tán, mỗi nhà mạng sẽ xây dựng cổng chuyển mạng riêng, còn mô hình tập trung thì các nhà mạng sẽ kết nối tới trung tâm chuyển mạng quốc gia.
Được biết, trên thế giới hiện có 70 quốc gia đã triển khai dịch vụ này và phần lớn các quốc gia đang sử dụng theo mô hình quản lý dữ liệu tập trung. Theo báo cáo từ Cục Viễn thông hiện tại Việt Nam đã có đủ một số điều kiện để thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số như: có 06 doanh nghiệp kinh doanh viễn thông di động, thị trường tương đối lớn với 1,5 thuê bao/người dân; cước dịch vụ điện thoại tương đối thấp; số lượng sim rác lớn cần phải kiềm chế phát triển…
Mặt khác, việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ đêm lại nhiều lợi ích như: Khách hàng có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ; tạo môi trường cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ; Cơ quan quản lý nhà nước có thêm công cụ để theo dõi và phát triển thương mại điện tử.
Tại buổi làm việc, Đại diện Cục viễn thông đề xuất với Thứ trưởng Lê Nam Thắng về việc sử dụng mô hình quản lý dữ liệu tập trung cho Đề án; các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, MobiFone sẽ là đơn vị thực hiện Đề án này trước, các nhà mạng nhỏ khác thực hiện sau. Dự kiến, tháng 10/2014 sẽ chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết với dịch vụ này người dùng sẽ có thêm cơ hội để sử dụng dịch vụ tốt hơn, nhưng thời điểm này đưa ra phương án thực hiện Đề án chuyển mạng giữ nguyên số vẫn còn quá sớm, Cục Viễn thông và Ban soạn thảo cần tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên quan để quyết định việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trong thời gian tới.
Bình luận (0)