Nhiều năm trước, nhiều ví điện tử (VĐT) đã ra mắt rầm rộ nhưng không phát triển được và phần lớn dần “chết” lặng lẽ do người dùng không an tâm sử dụng. Tuy nhiên, gần đây, sự phát triển mạnh thị trường thiết bị di động, các công nghệ kết nối, các trang mua bán trực tuyến và hành lang pháp lý chặt chẽ… đã tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào thị trường VĐT.
Hàng loạt ví ra đời
Mới đây Tập đoàn FPT ra mắt VĐT FPT để hỗ trợ công cụ thanh toán trên trang Sendo.vn cho khách hàng và người dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của FPT như: internet, dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến FShare, quảng cáo trực tuyến… Cũng đầu tháng 3, Công ty Vietnam Esports cung cấp VĐT TopPay cho người dùng thực hiện các giao dịch nạp tiền trực tiếp, nạp tiền điện thoại, mua mã thẻ game, thẻ điện thoại, thẻ học trực tuyến, thẻ dịch vụ... ngay trên các thiết bị di động.
Nhà mạng MobiFone mới đây cũng đã ra mắt dịch vụ VĐT Vimo như một giải pháp thay thế cho tấm thẻ ngân hàng truyền thống giúp người tiêu dùng chuyển và rút tiền tại các ngân hàng qua thông tin hiển thị trên điện thoại. Vimo cũng giúp thanh toán hóa đơn: điện, nước, truyền hình cáp, internet, nạp tiền điện thoại, mua mã thẻ, thanh toán cước di động trả sau, game, mua mã thẻ và có thể rút tiền về tài khoản ngân hàng, về thẻ, tiền mặt tại ATM (không dùng thẻ). Dịch vụ VTC Pay của VTC vừa ra mắt tháng 4 vừa qua giúp người dùng thanh toán, kết nối người mua và người bán trong các giao dịch online. Thay thế cho thẻ ATM, người dùng có thể sử dụng VĐT VTC Pay để thanh toán trên 500 website thương mại điện tử (TMĐT) trong và ngoài nước. Ngoài ra VTC Pay bước đầu đã kết hợp với các hãng xe taxi Long Biên, Venus và các quán cà phê tại Hà Nội để thay thế cho phương thức thanh toán truyền thống.
Công ty mPOS Việt Nam vừa tham gia thị trường với dịch vụ thanh toán mPOS thay thế phương thức thanh toán qua máy POS cố định thông thường. Người dùng smartphone sử dụng kết nối với thiết bị của mPOS thông qua cổng tai nghe hoặc bluetooth để thực hiện giao dịch ở bất cứ đâu. mPOS hỗ trợ thanh toán các loại thẻ ATM, thẻ Visa và Mastercard. Ngoài ra, mPOS giúp kết nối người mua và người bán, cho phép mỗi điểm chấp nhận thẻ trở thành một đại lý bán hàng cho các dịch vụ và đơn vị khác.
Đòn bẩy cho thị trường bán lẻ
Theo kết quả khảo sát của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (VECITA) - Bộ Công Thương năm 2015, doanh số TMĐT theo hình thức B2C (Business - To - Customer: doanh nghiệp giao dịch với khách hàng) đạt khoảng 4,07 tỉ USD, tăng 37% so với năm trước, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, thực tế TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng. Thanh toán tiền mặt vẫn chiếm phần lớn ở các webiste TMĐT, chỉ có 53% website có chức năng đặt hàng trực tuyến và 17% website chấp nhận thanh toán trực tuyến. Theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, doanh nghiệp cần tăng cường việc áp dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm kéo tỉ lệ thanh toán điện tử tăng lên trong mua sắm trực tuyến hiện mới chỉ chiếm 5%.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho biết: “Với sự phát triển của ngành bán lẻ và TMĐT như hiện nay thì khâu thanh toán để hoàn tất đơn hàng là rất quan trọng. Nên ứng dụng giải pháp thanh toán di dộng để giúp khâu thanh toán nhanh chóng, tiện lợi, phí ít hơn, giảm thiểu các rủi ro cho cả doanh nghiệp, người dùng và là đòn bẩy để thị trường bán lẻ phát triển”.
Đại diện MasterCard Việt Nam cho biết: “So với VĐT truyền thống chỉ mang chức năng thanh toán mua hàng trên mạng, các dịch vụ như mPOS, VĐT di động được xây dựng phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ di động, internet, giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền chặt chẽ, tăng tiện ích cho người dùng, đáp ứng nhu cầu nạp, rút, chuyển tiền hay thanh toán dịch vụ mua hàng, điện, nước… ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào”. Đây được coi như một bước tiến mới của thanh toán điện tử theo xu hướng hội tụ giữa thanh toán trên internet (máy tính) và thanh toán trên di động (smartphone). Các giải pháp này giúp nhà kinh doanh theo dấu hoạt động bán hàng, doanh số của từng nhân viên, khách hàng đã trả đủ tiền chưa và thực hiện giao dịch tại đâu trên bản đồ.
Phát triển nhờ hệ sinh thái tốt
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết: “Nhiều năm trước, VĐT đã ra đời nhưng rất vất vả để hình thành nên các cổng thanh toán, không có sự đầu tư về tài chính cho các VĐT. Pháp lý, chế tài cho các VĐT còn chưa chặt chẽ, đầy đủ khiến cho người dùng, các sàn TMĐT đều e dè sử dụng. Các VĐT gần đây mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ trở lại là do pháp lý cho VĐT, TMĐT đã ngày càng hoàn chỉnh, bảo đảm, hệ thống các ngân hàng kết nối với nhau. Hiện nay, nhiều công ty trong và ngoài nước bỏ tiền đầu tư mạnh cho các VĐT, hệ thống thẻ bảo đảm. Người dùng bây giờ cũng không còn ngại việc thanh toán tiền trước bởi tiền được bảo đảm bởi ngân hàng. Các VĐT cũng kết hợp với các công ty chuyên về thanh toán, các công ty chuyển mạch, tổ chức thẻ, ngân hàng để tạo sự uy tín, an toàn hơn”.
Bình luận (0)