Ngay từ khi cơn bão lịch sử số 3 (Yagi) đổ bộ, với tinh thần "Cùng cả nước, vì cả nước," Đài Truyền hình TP HCM đã phát động chương trình kêu gọi sự chung tay góp sức cho Quỹ "Chung một tấm lòng - Vì đồng bào miền Bắc thương yêu."
Sau 20 ngày phát động, tọa đàm cùng tên lên sóng không chỉ ghi nhận sự đóng góp của những tấm lòng vàng mà còn khắc họa nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam.
Tọa đàm "Chung một tấm lòng" của Đài Truyền hình TP HCM không chỉ là nơi gặp gỡ và sẻ chia của những cá nhân, tổ chức đã góp phần vào Quỹ "Chung một tấm lòng" mà còn là bức chân dung đầy cảm xúc về tinh thần tương thân tương ái của người dân TP HCM nói riêng và cả nước nói chung hướng về đồng bào miền Bắc trong những thời khắc khó khăn.
Chương trình có sự tham gia của nhiều khách mời đặc biệt. Mở đầu với những chia sẻ đầy cảm xúc của PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Sử học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM về tinh thần đoàn kết của dân tốc - di sản quý báu mà chúng ta cần tiếp tục duy trì.
Cùng với ông là sự góp mặt của luật sư Hà Hải - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, bà Dương Thị Huyền Trâm - Trưởng ban Phong trào, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, và thượng tá Hoàng Bá Thái - Chủ nhiệm Kho K334, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân... chia sẻ về những hoạt động từ thiện gắn kết cộng đồng và niềm tin mà người dân dành cho các tổ chức xã hội trong các cuộc vận động nhân ái.
Không chỉ có các chuyên gia, chương trình còn có sự góp mặt của những người dân bình dị nhưng có đóng góp vô cùng ý nghĩa. Cụ bà Nguyễn Thị Kim Liên, với đồng lương hưu ít ỏi, đã dành dụm để đóng góp cho quỹ. Ông Đỗ Thành Thảng, một người cao tuổi, sống tằn tiện để có thể dành trọn một triệu đồng tiền lương người cao tuổi đóng góp vào quỹ "Chung một tấm lòng." Những tấm gương nhỏ tuổi như em Trịnh Việt Văn - học sinh lớp 7, đã tặng lại học bổng của mình cho quỹ trong đêm Trung Thu, hay tập thể thầy trò trường mầm non Mặt Trời Nhỏ cũng tham gia ủng hộ, đã chứng minh rằng lòng nhân ái không phân biệt tuổi tác hay tầng lớp.
Ngoài ra, tại tọa đàm "Chung một tấm lòng", khán giả sẽ được lắng nghe những câu chuyện thực tế từ những tấm gương đại diện cho tuổi trẻ thành phố. Đó chính là doanh nhân Phạm Kim Dung cùng các Hoa hậu Bảo Ngọc, Thanh Thủy, và Quế Anh - những người đã không ngại khó khăn, hiểm trở để trực tiếp đến các địa phương miền Bắc hỗ trợ bà con tái thiết cuộc sống sau thiên tai.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt là sự xuất hiện của bộ tranh "Thương lắm đồng bào tôi" - những nét vẽ đầy giá trị của họa sĩ Lê Sa Long, và bài thơ "Tặng tụi con: Những bé con làng Nủ" của anh Đặng Văn Khoa - một người dân bình dị không thể kiềm nén cảm xúc trước hình ảnh đau thương tại Làng Nủ. Những tác phẩm này đã chạm đến trái tim khán giả, gợi lên sự cảm thông sâu sắc và tình yêu thương không biên giới dành cho những người dân chịu thiệt hại từ thiên tai.
Bình luận (0)