xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tính đúng, tính đủ và hợp lý

PGS-TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách khoa Hà Nội

Bất cập của giá điện hiện nay vẫn chưa theo cơ chế thị trường, bù chéo giữa các nhóm khách hàng và chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội

Hiện giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 05/2024, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá điện là 3 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên nhưng quá trình thực thi quyết định này vẫn chưa diễn ra theo định kỳ trong khi quy định có hiệu lực từ tháng 5-2024. 

Liệu rằng rút ngắn thời gian điều hành giá điện xuống 2 tháng/lần nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 2% trở lên có khả thi? Thực tế là mốc quy định 3 tháng hay 2 tháng cũng không có khoảng cách quá xa mà quan trọng là có thực hiện được hay không? 

Hơn nữa, giá điện cần phải tính đúng, tính đủ, hợp lý - tránh chỉ có tăng mà không giảm, dẫn tới khi rút ngắn thời gian điều chỉnh mà giá không giảm, chỉ có tăng sẽ khiến người dân lo ngại, hoài nghi việc điều chỉnh chỉ nhằm mục đích duy nhất là nhanh chóng bù lỗ cho EVN.

Quan trọng hơn, bất cập của giá điện hiện nay vẫn chưa theo cơ chế thị trường, bù chéo giữa các nhóm khách hàng và chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội. Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được thực hiện theo biểu giá điện bậc thang, tức khách hàng dùng càng nhiều điện, giá càng đắt nhằm khuyến khích khách hàng tiết kiệm điện; đồng thời 100 KWh đầu tiên sẽ được áp mức giá thấp để "trợ giá" cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. 

Song, thực tế với biểu giá như vậy, người giàu có điều kiện kinh tế khấm khá, tiêu thụ 5 triệu đồng tiền điện/tháng cũng được hưởng tiền điện giá thấp ở 100 KWh đầu tiên đó. Do vậy, điều đầu tiên là phải tách bạch chính sách an sinh xã hội ra khỏi cơ chế điều hành giá điện, nhà nước có thể hỗ trợ tiền mặt hoặc các chính sách khác để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn chi trả tiền điện.

Mặt khác, nguyên tắc khi xây dựng giá bán điện là khách hàng phải trả đủ chi phí mà việc kết nối của họ đã gây ra cho hệ thống điện. Các thông số cần tính đến trong biểu giá là: Lượng công suất yêu cầu từ hộ tiêu thụ; thời điểm sử dụng điện trong ngày (cao hay thấp điểm); lượng điện năng mà hộ tiêu dùng đã sử dụng; điểm đấu nối của hộ tiêu dùng vào hệ thống (cấp điện áp đấu nối).

Hiện tại, biểu giá bán điện của Việt Nam chưa tính đến phần công suất trong biểu giá đối với tất cả các thành phần phụ tải. Chính vì vậy, giải pháp căn cơ cho vấn đề giá điện là triển khai xây dựng biểu giá điện 2 thành phần. Theo đó, hóa đơn tiền điện hằng tháng của các hộ gia đình được tính theo giá công suất đăng ký và giá tiền điện tiêu thụ hằng tháng. Khi ký hợp đồng cung ứng điện, các hộ gia đình phải đăng ký mức công suất tối đa mà mình sử dụng.

Đơn giá tiền điện hoàn toàn có thể áp dụng phương thức càng dùng nhiều càng rẻ, tức là với một mức công suất đăng ký mà sản lượng điện thương phẩm càng lớn thì hệ số sử dụng công suất sản xuất của ngành điện càng cao, giá thành sản xuất càng hạ dẫn đến có thể định giá bán thấp. 

Việc xây dựng biểu giá này không đơn giản và sẽ có nhiều ý kiến khác nhau nhưng không bắt đầu thì sẽ không giải quyết được căn nguyên của vấn đề, cũng như bảo đảm cung cấp đầy đủ và an toàn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới. 

Thùy Linh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo