Cuối tuần qua, thông tin nhiều nguồn vật liệu san lấp được đưa đến đường Vành đai 3 TP HCM cùng những đường cao tốc khác không chỉ củng cố thêm niềm tin các dự án quan trọng này bảo đảm tiến độ trong năm 2024, mà còn gián tiếp gửi tín hiệu tích cực rằng công tác giải ngân vốn đầu tư công thêm nhanh nhờ thi công liền mạch.
Tuy vậy, về lâu dài, tính bền vững của nguồn cung hàng chục triệu mét khối cát cho các dự án vẫn là bài toán mà nhiều tỉnh, thành đã hoặc đang tìm lời giải.
Trong đó, với đường Vành đai 3 TP HCM, bên cạnh việc "cầu viện" từ nhiều tỉnh và nhập khẩu từ nước ngoài, Bình Dương còn linh hoạt sử dụng vật liệu đắp nền bằng đất thay cát. Việc thay thế này thực hiện tại những đoạn có địa chất bảo đảm dựa trên tính toán khoa học.
Đây là giải pháp để các địa phương, nhất là TP HCM, tham khảo khi đất luôn nhiều hơn cát. Nguồn vật liệu dồi dào đó sẽ xuất hiện song song với việc xuất hiện vài kênh đào.
Ý tưởng đào kênh để phục vụ phát triển từ lâu đã được hiện thực hóa trên thế giới.
Với TP HCM, bên cạnh phương án dùng những chất liệu đào được ấy đưa về dự án đang thiếu, việc tạo sự mềm mại, xanh mát hơn cho thành phố, phát triển du lịch thủy, tăng ngả vận chuyển hàng hóa, tạo giá trị đất, phát triển bất động sản hai bên bờ, phân tán và triệt tiêu các điểm ngập… là những viễn cảnh lạc quan có thể hình dung.
Một dòng chảy do con người tạo ra chạy xuyên TP Thủ Đức và kết nối 2 sông Đồng Nai, Sài Gòn; hoặc tuyến giao thông thủy nhân tạo giao thoa giữa kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với những kênh rạch lân cận chẳng hạn…, nên nằm trong tính toán của ngành chức năng vì những lợi ích có thể đem lại như trên.
Bình luận (0)