Tôi chấp nhận cho anh ngoại tình với điều kiện phải giữ kín chuyện đó với các con và cha mẹ hai bên. Thế nhưng anh lại đòi nhiều hơn thế. Và bây giờ thì tan hoang hết rồi.
Tôi với Dương quen nhau, yêu nhau rồi cưới nhau theo đúng trình tự một cuộc hôn nhân thường thấy. Cho đến giờ nếu ai nói rằng đó là một cuộc hôn nhân vội vàng thì tôi sẽ cãi đến cùng bởi phải mất gần 5 năm từ khi biết nhau, chúng tôi mới cưới.
Sau khi cưới, tôi đã có một thời gian hạnh phúc. Cho đến khi Dương được thăng chức trưởng phòng thì anh bắt đầu thay đổi. Từ một người hiền lành, chí thú vợ con, anh bắt đầu nhậu nhẹt, chơi bời, đi sớm về muộn và kiếm chuyện gây gổ với vợ con. Tôi nhận ra sự thay đổi của chồng từng ngày và ngạc nhiên tự hỏi, đó có còn là chồng mình hay không?
Có lần tôi nhắc anh: “Mẹ qua 2 lần đều không gặp anh, mẹ hỏi em ngày nào anh cũng về muộn như vậy à?”. Dương đang cài nút áo, ngừng tay hỏi tôi: “Rồi em nói sao?”. Tôi nói: “Có sao em nói vậy”. Tôi trả lời với bao nỗi ấm ức trong lòng.
Dương tỏ vẻ bực tức: “Em không được nói gì với mẹ. Anh đi làm việc chứ có phải đi chơi đâu?”. “Chẳng lẽ chỉ có một mình anh làm việc? Chẳng lẽ ai đi làm việc cũng nhậu nhẹt, đi sớm về muộn, không còn biết nhà cửa, vợ con? Anh nói anh đi làm việc thì tiền đâu? Đi làm việc, thăng quan tiến chức mà chẳng thấy mang về cho vợ con đồng nào thì đi làm gì?”- tôi càng nói càng tức.
Anh trợn mắt nhìn tôi rồi nhếch mép: “Ra là vậy. Em cần tiền chứ không phải cần chồng. Nói cho em biết, muốn thăng quan, tiến chức thì phải có tiền; phải cung phụng cho người ta, hiểu không?”. “Vậy thì thăng quan, tiến chức để làm gì mà vợ con chẳng được nhờ? Như vậy thì thà anh làm nhân viên quèn thì có ích cho vợ con hơn”- tôi bực bội.
Cuộc tranh luận đến đây tạm ngừng vì Dương có điện thoại. Ai đó hẹn anh ăn sáng, uống cà phê. Anh vội vàng đi ngay. Đây cũng là chuyện lạ đối với Dương vì trước đây anh ăn sáng ở nhà và luôn nói rằng ăn sáng do vợ nấu vừa rẻ, vừa bổ, vừa hợp vệ sinh. Bây giờ anh không muốn ăn nữa thì nói rằng, ăn ở nhà chán chết, ra ngoài có người này người kia để nói chuyện thời sự.
Cho đến khi câu chuyện thời sự ngoài quán của anh lộ nguyên hình là một cô bồ trẻ. Mới đầu anh giả lả: “Bạn bè thôi chứ có gì đâu mà làm dữ vậy?”. Tôi đưa cho anh xem những bức ảnh mà chính những người đồng nghiệp của anh ở cơ quan vì bất bình cho tôi nên đã theo dõi và chụp được: “Bạn bè mà hôn hít, ôm ấp như vầy sao? Nếu em làm chuyện đó với người đàn ông khác, anh có nghĩ là bạn bè không?”.
Anh hứa sẽ “chấn chỉnh” nhưng tôi không hiểu sẽ chấn chỉnh như thế nào? Ra là anh rút vào hoạt động bí mật. Nhưng rồi lại có người ở cơ quan của anh theo dõi, chụp hình, quay phim gửi cho tôi. Khi nhận được những thứ ấy, tôi nghĩ nhiều hơn về mối quan hệ giữa anh với bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan. Anh làm ở một sở lớn, chức trưởng phòng cũng là một chức quan to, có nhiều người nhắm nhe, dòm ngó. Chỉ có thể là anh không được lòng mọi người nên người ta mới soi mói cuộc sống riêng của anh như vậy.
Tôi đưa cho anh xem mọi thứ và nói về mối lo ngại của mình. Anh có vẻ đăm chiêu, sau đó mắt sáng lên: “Đúng rồi, họ ganh ăn tức ở với anh nên dàn dựng mọi chuyện. Em nhìn kỹ đi, toàn ảnh ghép, hình quay thì mờ mờ không thấy mặt. Anh mà biết đứa nào làm chuyện này, sẽ biết tay anh”. Tôi nói với anh rằng nếu không có lửa thì làm sao có khói? Anh phải như thế nào người ta mới ganh ghét, soi mói như vậy. Anh hứa sẽ cẩn thận hơn chứ không nói gì đến chuyện sẽ thôi bồ bịch lung tung.
Tôi bắt đầu thấy nản. Mọi quan tâm của tôi bây giờ dồn vào hai đứa nhỏ. Anh không mang tiền về, tôi cũng không hỏi. Một phần vì tự ái, phần nữa vì tôi cũng tự xoay xở được mà không cần đến anh. Cho đến một hôm, anh hớt hơ, hớt hãi bảo: “Em có tiền cho anh mượn đỡ một mớ…”.
Tôi hỏi “một mớ” là bao nhiêu và để làm gì thì anh thú thật là cô bồ mới nhất của anh có bầu, cô ta đòi anh phải đưa 300 triệu thì mới đồng ý phá thai, còn không thì cô ta sẽ làm lớn chuyện, đến cơ quan và nhà ba mẹ anh để quậy. Vẻ mặt Dương thật thảm não: “Chuyện này đổ bể ra thì anh chết chắc; mất chức, bị kỷ luật chứ không phải đùa”. “Nếu sợ thì anh đừng làm. Em không có tiền”- tôi nói dứt khoát.
“Không có tiền thì cũng phải làm sao cho có tiền. Giấy tờ nhà đâu, đưa đây”- Dương đột ngột quát lên. Tôi hết hồn: “Anh định làm gì?”. “Đem ra ngân hàng thế chấp để vay 300 triệu đưa cho cô ấy”- Dương nói mà không nhìn tôi. “Anh điên rồi. Cứ để cho cô ta quậy đi. Còn giấy tờ nhà em gởi mẹ cất rồi, anh muốn thì cứ qua đó mà lấy”.
Tôi biết chắc là mẹ chồng tôi chẳng đời nào lại đưa cho anh bởi xưa nay, bà chỉ tin tưởng tôi. Lý do là vì trước đây ba chồng tôi cũng có thời gian lẹo tẹo, dang díu với nhân viên làm cho gia đình xào xáo. Bà sợ Dương có gen lăng nhăng di truyền của cha nên luôn ủng hộ tôi.
Ấy vậy mà lần này thì khác. Chẳng biết chồng tôi òn ỉ thế nào mà mẹ tôi đã lấy giấy tờ nhà đưa cho anh. Ngôi nhà là tài sản chung của hai vợ chồng vì khi mua nó, ba má tôi đã cho tôi số tiền gần một nửa trị giá căn nhà. Thế nhưng khi đó làm thủ tục còn khó khăn nên tôi để mẹ chồng đứng tên. Tôi đinh ninh bài học từ ba chồng tôi vẫn còn đó nên bà sẽ bảo vệ tôi và mấy đứa cháu nội của bà. Không ngờ lần này mọi chuyện lại khác...
Không chỉ lấy được giấy tờ, anh còn làm cho mẹ chồng tôi phải ký tên và ra tận ngân hàng để làm thủ tục vay 1 tỉ đồng. Anh nói: “Anh còn một vài khoản nợ phải trả. Sẵn tiện lấy luôn 1 tỉ để anh giải quyết dứt điểm”. Khoản nợ của anh là có thật và đó là nợ do thua độ bóng đá. Bọn chủ nợ đe dọa “xin tí huyết” của anh nếu không trả. Trời ơi, ngoài việc gái gú, chồng tôi lại sa vào cá độ, bài bạc…
“Mày bỏ nó đi, nếu không thì sau này nó bán luôn cả mày”- bà chị tôi nghe chuyện thì lồng lộn lên. Còn ba má tôi chỉ biết im lặng thở dài và khóc. Má tôi bảo: “Không ngờ chị sui lại nhẹ dạ như vậy. Mà nghĩ cũng phải, nhất con nhì của, con của người ta làm sao người ta bỏ được...”.
Tôi khóc đã đời với ba má tôi rồi quay về ngôi nhà của mình. Hai đứa nhỏ đã biết chuyện. Tụi nó cũng khóc. Cuối cùng tôi bảo con thu dọn đồ đạc: “Mình về ngoại ở”. Tôi chưa kịp đi thì Dương về tới với vẻ mặt hí hửng: “Có tiền rồi. Em cầm một ít mà xài”. Tôi lắc đầu: “Tôi không lấy, anh muốn làm gì thì làm. Bây giờ tôi về bên ba má tôi, vài hôm nữa tôi gửi đơn ly hôn cho anh ký”. Dương chưng hửng: “Em nói thật hay đùa vậy? Tự nhiên dọn đi rồi đòi ly dị là sao?”.
Tôi nói với Dương là tôi không xem anh là chồng nữa. Tình cảm của tôi đối với anh cũng không còn. Tôi bịa chuyện mình cũng đã có người đàn ông khác và muốn tự do xây dựng hạnh phúc mới. Nghe vậy, chồng tôi lồng lên: “Đồ khốn nạn. Đồ đàn bà hư thúi, dám bỏ chồng theo trai...”.
Anh vung tay lên định đánh nhưng tôi đã tránh được. Tôi giữ tay anh: “Thì cũng như anh thôi. Tôi học anh chứ có học ai đâu mà anh nói? Tôi đã nhịn anh bao nhiêu lâu nay rồi, bây giờ tôi hết nhịn nổi. Anh để cho tôi đi, nếu không thì đừng có trách”. Tôi bẻ mạnh tay Dương khiến anh bị đau la oai oái. Đến lúc đó anh mới sực nhớ là vợ mình có võ.
“Thôi mà, anh năn nỉ em mà, có gì vợ chồng đóng cửa dạy nhau, em mà bỏ đi thì coi như tương lai anh cũng tiêu tùng. Anh lạy em đó. Sếp mới bảo anh về thu xếp chuyện vợ con, nếu không ổng sẽ kỷ luật, buộc anh thôi việc. Em thật kỳ, chuyện vậy mà cũng đi méc sếp khiến anh mất uy tín...”. Trông mặt Dương thật thê thảm.
Nhưng trong lòng tôi không còn chút tình cảm nào dành cho anh. Tôi đã chịu đựng đủ lâu để cho tình yêu thương bị cạn kiệt. Khi anh có nó thì anh không biết giữ gìn, đến khi mất nó thì anh lại hối tiếc. Mà chắc gì anh thật tâm hối cãi? Nếu tôi tha thứ lần nữa thì lấy gì bảo đảm anh sẽ không ngựa quen đường cũ, tiếp tục sa vào con đường hư hỏng?
Bình luận (0)