Khi không thể chối cãi nữa thì Hà thú nhận với tôi: “Em làm như vậy là vì bực mình. Mẹ có một bầy con chớ đâu phải chỉ có một mình anh mà cái gì cũng đổ hết lên đầu vợ chồng mình?”. Tôi nhìn trân trối người vợ mà mình đã gởi gắm bao nhiêu yêu thương, tin tưởng. Hóa ra những gì tôi thấy xưa nay chỉ là những màn kịch.
Trong số 5 anh em, tôi cưới vợ muộn nhất lại chậm con. Tuy không phải con đầu hay con út nhưng tôi là đứa khá giả hơn các anh em khác. Chính vì vậy, tôi muốn mẹ được ở cùng tôi để an hưởng tuổi già. Khi tôi nói điều này với Hà, nàng không hề phản đối, chỉ ra điều kiện: “Anh lo cho mẹ thế nào thì cũng phải lo cho ba mẹ em như vậy thì em mới chịu”. Tất nhiên là tôi đồng ý bởi tôi nghĩ cha mẹ nào cũng là cha mẹ, ai cũng có công sinh thành dưỡng dục.
Tôi đón mẹ về ở chung đã được hơn 1 năm. Mẹ tôi đã 85 tuổi nhưng vẫn còn đi đứng vững vàng, trí nhớ tốt. Mới đầu mẹ không chịu nhưng tôi nói mãi về cái sự bất tiện khi ở quê: xa chợ búa, bệnh viện, mỗi khi mẹ đau yếu chở được tới bệnh viện thì cũng phải mất nửa ngày. “Mẹ lên ở với tụi con, khi nào nhớ nhà thì con đưa về”- tôi năn nỉ mẹ.
Cuối cùng mẹ tôi cũng đồng ý. Tôi nghĩ bụng mình có phúc phần hơn các anh chị em nên mới được ở gần mẹ để chăm sóc, phụng dưỡng. Tôi càng thương vợ tôi hơn khi nàng cũng xem việc chăm sóc mẹ tôi là trách nhiệm của mình. Để nàng đỡ vất vả, tôi thuê người giúp việc để chăm sóc mẹ. Tôi đâu biết, vợ tôi đã “trưng dụng” người giúp việc để làm việc khác trong nhà, còn mẹ tôi phải tự làm lấy mọi chuyện từ tắm rửa, giặt giũ quần áo đến ăn uống, đi lại trong nhà.
Cho đến lần mẹ tôi bị trượt chân té ngay cửa phòng tắm, bị gãy xương đùi, tôi nóng ruột nói có mấy câu mà Hà đã bỏ về nhà cha mẹ ruột ở cả tuần lễ. Lúc đó, con bé giúp việc mới tiết lộ: “Con nói để con tắm cho bà mà cô không cho, bảo cứ để tự bà lo. Yến sào cậu mua cho bà, cô cũng ăn hết. Cô nói bà già rồi, không cần tẩm bổ, chỉ có cô cần giữ gìn sắc đẹp mới phải ăn yến…”.
Chưa hết, nó còn nói mẹ tôi bị té là do vợ tôi làm: “Bà trong nhà tắm bước ra, cô ở ngoài bước vào, nói rằng bà ngáng đường nên xô bà qua một bên, ai ngờ bà bị ngã luôn…”.
Thoạt đầu tôi không tin. Tôi bảo con bé giúp việc: “Cháu mà nói dối, chú đuổi cổ liền”. Nó vẫn khẳng định: “Cháu thấy tội nghiệp bà quá nên mới nói. Chú không đuổi cháu cũng nghỉ vì nếu cô biết là cháu nói với chú, chắc gì cháu yên thân mà ở lại?”. Tôi bảo con bé cứ ở lại chăm sóc mẹ tôi, mọi chuyện đã có tôi lo. Vợ tôi không phải muốn đuổi là đuổi.
Sau lần đó, tôi nói với Hà: “Từ nay trở đi, buổi trưa anh về ăn cơm với mẹ”. Vợ tôi xụ mặt: “Một mình mẹ em lo đã hết hơi, giờ còn lo cho anh nữa chắc chết luôn”. Tôi nói để con bé giúp việc lo chớ không cần vợ tôi phải nhọc sức. Hà vùng vằng: “Sao dạo này cái gì anh cũng lôi con nhỏ đó ra vậy? Hay là anh có ý gì với nó? Lộn xộn là không được với em đâu nghen”.
Tôi không ngờ Hà lại nói như vậy nên bực mình quát: “Em có bị khùng không? Ăn nói hồ đồ”. Vợ tôi nhăn mặt: “Thì để rồi coi… Nếu có nó lo rồi thì trưa em khỏi về”.
Tưởng vợ tôi bực mình nói vậy, không ngờ nàng không về thật. Mẹ tôi hình như cũng lờ mờ biết vợ chồng tôi gây gổ nên nằng nặc đòi về quê với thằng út. Tôi nói với mẹ: “Nếu mẹ về, con cũng bỏ hết công ăn việc làm để về theo. Con nói thật đó”. Biết tính tôi, mẹ đành phải ở lại.
Sau lần đó vợ tôi thay đổi được đôi chút. Tôi nghĩ, con người ta có lúc này, lúc nọ. Có lẽ vợ tôi buồn bực vì không có con nên mới sinh bẳn tính như vậy chứ bản chất của nàng rất tốt. Thôi thì sông có khúc, người có lúc, ai mà chẳng có khi buồn, khi vui…
Không biết có phải vì tôi quá ngây thơ, tin tưởng Hà hay không mà tôi lơ là chuyện chăm sóc mẹ. Một phần vì công việc quá bận rộn, một phần vì tôi nghĩ đã có con bé giúp việc lo chu đáo nên cũng ít chú ý. Cho đến khi mẹ tôi bị con dâu hất nguyên vá canh vào mặt.
“Tôi không còn lời lẽ nào để nói với em nữa. Con người em quá độc ác. Mẹ tôi mà em đối xử như vậy thì chắc có ngày em cũng sẽ làm điều đó với tôi”- tôi cố kềm nén tức giận để không đánh vợ. Hà có vẻ hối lỗi nhưng lại đổ thừa đủ thứ. Nhưng vợ tôi càng nói thì tôi lại càng thấy ghê sợ. Nhất là khi nhìn thấy vết phỏng làm lở loét mặt và cổ mẹ, tôi không thể nào nguôi ngoai trong lòng.
Cuối cùng thì tôi nói với vợ: “Em về bên nhà ba mẹ ở một thời gian đi, anh không thể nhìn mặt em trong lúc này”. Nhưng Hà không đi mà gọi cha mẹ sang. Ba vợ xuống nước năn nỉ: “Ba mẹ xin lỗi con. Xưa nay con Hà là đứa hiền ngoan, hiếu thảo, không hiểu tại sao về ở với con nó lại đổi tánh, đổi nết như vậy...”.
Lại đổ thừa. Tôi bực bội: “Nếu vì sống với con mà Hà thay đổi tính nết từ tốt thành xấu thì tụi con càng nên sớm chia tay. Ba mẹ hãy nhìn thành tích của cô ấy trên người mẹ con đi rồi hãy nói. Có thứ con dâu nào lại đối xử độc ác với mẹ chồng như vậy. Con đã lầm khi cưới cô ấy...”.
Thế nhưng ba mẹ vợ tôi vẫn một mực khóc lóc, năn nỉ. Trong khi đó thì vợ tôi đi làm thì thôi, về tới nhà là đóng cửa ở trong phòng. Tôi muốn gặp mặt để nói chuyện nàng cũng không ra; tôi gọi điện thoại, nhắn tin cũng không thấy trả lời. Sống chung một nhà mà tôi có cảm giác vợ chồng tôi đang xa cách nghìn trùng...
Không còn cách nào khác, tôi đón ngay cửa nhà khi Hà vừa đi làm về: “Chúng ta nói chuyện nghiêm túc đi”. Nhưng Hà giật tay ra: “Em không có chuyện gì để nói với anh. Em cũng không đi đâu cả và càng không có chuyện ly hôn. Đừng có chọc cho em nổi máu điên lên nghen”.
Tôi không biết phải làm sao với người vợ dở dở, ương ương của mình. Tiếp tục chung sống thì không thể, nhưng ly hôn thì lại càng khó khăn vì vợ tôi cứ nhất mực nói rằng không muốn sống với ai khác ngoài tôi.
Đã 4 tháng rồi, tôi sống trong tình cảnh trớ trêu như vậy. Vợ tôi bỏ mặc chồng, chẳng đếm xỉa gì tới mẹ chồng, anh em chồng. Thế nhưng đuổi thì nàng không đi, muốn ly dị thì nàng hăm he, đe dọa. Tôi thật sự hết cách rồi. Đôi khi tôi nghĩ, hay là vợ tôi có máu điên trong người mà tôi không biết, đến bây giờ mới phát tác ra ngoài?
Bình luận (0)