“Ngày xưa, ngóng Tết từng ngày, quanh năm chỉ mong đến Tết để được ăn ngon, mặc đẹp, được nhận lì xì. Giờ nghe Tết chẳng có cảm giác gì, thậm chí còn sợ vì thêm một tuổi” - chị Nguyễn Thị Kim Liên (nhà ở quận 7, TP HCM) than thở tại tọa đàm “Giữ hồn Tết xưa” do CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc TP HCM tổ chức mới đây.
Tết xưa sao mà vui!
Chị Liên kể không khí Tết đến với gia đình chị từ ngày rằm tháng chạp. Khi ấy, ba chị lặt lá mấy cây mai trước sân nhà, chị em chị cũng tìm một chiếc ghế cao phụ ba. Rồi không khí nhộn nhịp tiếp tục diễn ra những ngày sau đó khi mẹ chị làm mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu... Khi mẹ đứng sên mứt trong bếp, mấy đứa trẻ chạy ra, chạy vào xem mứt chín chưa và xin thử một miếng. Người lớn phải mắng mỏ, đuổi ra ngoài vì sợ củi lửa, sợ bị phỏng. “Mấy ngày đó, đi đâu cũng thấy mứt phơi đầy ngoài sân, mùi thơm ngào ngạt bay khắp xóm” - chị Liên kể.
Tiếc nuối, nhớ nhung là cảm giác của anh Lê Ngọc Quân, quận 1, TP HCM, góp vào câu chuyện Tết xưa. Anh Quân kể sáng sớm, khi tiết trời còn se se lạnh, bà, mẹ và chị anh đã trở dậy xào nếp, chuẩn bị lá chuối để gói bánh tét. Khi buông được chiếc chăn ấm, cậu bé Quân mò xuống nhà ngồi cạnh mẹ, bao giờ mẹ cũng nhắc: “Còn sớm mà con, ngủ chút nữa đi”, còn chị gái trề môi: “Chỉ được mỗi cái nhõng nhẽo với mẹ!”. Và bao giờ Quân cũng được bà ưu ái gói cho mấy đòn be bé, để riêng. “Khi vớt mấy đòn bánh tét “thiếu nhi” này ra, tâm trạng háo hức thiệt khó tả. Mùi thơm của nếp, của đậu, của chuối quyện vào nhau thật đậm đà, khó quên” - anh Quân nhớ lại.
Tết nay chẳng có gì vui
Khi nhắc đến Tết ngày nay, mọi người có vẻ ngán ngẩm vì cho rằng nó đã bị công nghiệp hóa, mất đi hương vị, ý nghĩa của Tết cổ truyền. “Ngày xưa, chờ đợi đến Tết để được ăn dưa hấu, bánh chưng. Gia đình nào dù nghèo đến mấy cũng cố gắng mua cặp dưa chưng trên bàn thờ ông bà rồi xẻ cho con cháu ăn. Còn ngày nay, dưa hấu bán quanh năm, lúc nào muốn là có thể ăn được” - chị Hoàng Nhã Trúc, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM, nhận xét. Cũng theo chị Trúc, không chỉ ở thành thị mà ở quê cũng chẳng ai làm mứt dừa, mứt bí... nữa vì cái gì cũng có sẵn ngoài chợ, rẻ, đẹp hơn ở nhà làm mà quan trọng hơn, nhiều gia đình chẳng làm mứt vì “để đó rồi đem bỏ do chẳng ai đụng vào”.
Anh Hoàng Bách, ngụ quận 3, TP HCM, cũng cho biết ngày xưa trẻ con nhận được lì xì rất vui và chẳng quan tâm đến giá trị bên trong. Còn ngày nay, lì xì cũng mang tính chất thương mại. Nhiều phụ huynh chê khen, so sánh lì xì của người này ít hơn so với người kia làm trẻ cũng nhiễm thói xấu này. “Ở cơ quan tôi, nhiều anh chị dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng Tết cũng cố gắng bỏ bao lì xì cho con sếp thật dày. Khi tôi thắc mắc thì họ nói không làm thế thì sợ sếp để ý, công việc chẳng thuận lợi. Vì thế, nghe chữ Tết là tôi thấy ngán ngẩm, cảm thấy chẳng có gì vui” - anh Bách chia sẻ.
GS-TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch TP HCM:
Giữ lại nếp sinh hoạt truyền thống
Ngày nay, giữa nhịp sống công nghiệp, mọi người đều bận rộn và thích đón Tết đơn giản, gọn nhẹ. Nhưng đơn giản không có nghĩa là bỏ qua những nếp sinh hoạt truyền thống. Cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của việc đưa ông Táo về trời, gói bánh chưng, bánh tét, mừng tuổi ông bà, lì xì đầu năm... Các bé không chỉ hưởng được niềm vui Tết mà còn thấm nhuần những bài học đầu đời về truyền thống dân tộc.
Bình luận (0)