xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngôn ngữ viết cũng “nhiễm bệnh” sính từ ngoại

Dương Quang

Sau khi Báo Người Lao Động Điện tử đăng bài  “Sính từ ngoại - mốt hay là bệnh?”, nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm đồng tình với hiện tượng mà báo đã nêu. Nhiều bạn đọc còn chỉ thêm rằng “bệnh” sính từ ngoại không chỉ có trong ngôn ngữ nói của nhiều giới hiện nay, mà còn “lây nhiễm” tràn lan trong các ấn phẩm chính thống, có tên tuổi.

Thử xem các trang Chuyên san của một tổ chức đoàn thể (ra ngày 1 và 15 hằng tháng) mà bạn đọc phản ánh: Tiếng Anh, tiếng Việt cứ đan qua đan lại, dường như chỗ nào “nhét” tiếng Anh vào được thì “nhét” thoải mái. Bài viết có tựa đề “Dân teens với Yomost, ngày hội thử thách” là một dẫn chứng tiêu biểu của chuyện “loạn” từ ngoại. Xin trích một đoạn: “Một ngày hội thử thách tràn đầy phong cách teen. A lê hấp! Này nhá, có một sân khấu chuyên trị các nốt nhạc dưới sự hoạt náo sôi nổi đầy màu sắc Yo! của MC vui nhộn Thanh Bạch. Một sân khấu cá tính cho chương trình đinh của ngày hội mà bất cứ một B-boy hay B-girl nào cũng không thể bỏ qua cơ hội được ngắc ngư với các break-dancer trứ danh trong giới teen đầy phong cách: W.E.B Crew, Free Style, Bad Boy, T&A và Web Style (...) Một phong cách cực kỳ kool qua các mẫu thời trang phá cách, qua các mái tóc cực kỳ hiphop...”.

Cho dù đa số sinh viên hiện nay có thể hiểu được những từ ngoại như vậy, nhưng với một ấn phẩm dành cho sinh viên thì nên loại trừ lối dùng từ ngoại “vô tội vạ” kiểu này. Không chỉ tiếng mẹ đẻ bị “xúc phạm” mà phẩm chất, lối sống của giới trẻ cũng bị ảnh hưởng.

Một bài trong tạp chí của một cơ quan quản lý chuyên ngành tại TPHCM - cũng thể hiện bệnh sính từ ngoại. Ngoài tựa đề của bài là “Chàng “đì dZai Nơ” cá tính”, phần dẫn nhập cũng đã viết: “Ca sĩ nổi tiếng = khả năng + ngoại hình + phong cách + fanclub + web “xì tin” (...) Lần này, (...) cùng bạn đọc trò chuyện với một “đì dzai nơ” (designer) khá có tiếng...”. Đã “phong cách”, lại còn “xì tin” (tức style, có nghĩa là “phong cách” - PV) nữa, thật chịu hết biết!

Còn có rất nhiều trường hợp tương tự như trên trong các ấn phẩm văn hóa hiện nay mà chúng tôi chưa có điều kiện để dẫn chứng, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để báo động về hiện tượng sính từ ngoại trong văn viết. Rõ ràng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là chuyện không bao giờ cũ.

PGS-TS Hoàng Dũng, giảng viên ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM:

Đừng để xảy ra sự xâm lược về ngôn ngữ

imgKhi ngoại ngữ trở thành phương tiện để hội nhập thế giới thì khó tránh khỏi sự pha trộn giữa tiếng mẹ đẻ với các thứ tiếng khác. Đáng lo là phần đông những người nói chắp ghép là những người biết ngoại ngữ không đến nơi đến chốn. Với họ, nói như vậy là để thể hiện mình thuộc một tầng lớp khác, tầng lớp sang, hiện đại. Nếu những ấn phẩm văn hóa, ấn bản chính thống mà cũng lấy sự “lai căng” về ngôn ngữ để “làm sang”, tự xếp mình vào tầng lớp hiện đại thì không hiểu sẽ đi đến đâu. Tôi lấy làm buồn vì trong khoảng 10 học viên cao học (mà cao học về ngôn ngữ đàng hoàng), thậm chí cả nghiên cứu sinh may ra mới được 1 người có khả năng sử dụng ngoại ngữ chuyên môn. Rất nhiều người chỉ nói ngoại ngữ như một thứ trang sức chứ không phải để làm việc. Đừng để xảy ra sự xâm lược về ngôn ngữ chúng ta mới bắt đầu lên kế hoạch loại bỏ nó.

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM:

Ngôn ngữ lai căng dễ trở thành “bệnh truyền nhiễm”

imgAi đó vô tình tạo nên sự pha trộn ngôn ngữ thì có thể cảm thông được, hoặc từ ngữ của chúng ta còn thiếu thì buộc phải vay mượn để diễn đạt. Nhưng việc cố tình sính chữ, cho việc đó là hay ho để phô trương bản thân thì cần phải xem lại. Ấn phẩm văn hóa là những văn bản dùng cho đại chúng, nó thuộc về văn bản phổ cập. Đã là văn bản phổ cập thì không nên sính ngoại ngữ. Nếu các ấn phẩm có sự pha tạp về ngôn ngữ như thế được lưu hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, định hướng ngôn ngữ và ý thức về tiếng mẹ đẻ của xã hội. Lâu dần những cách nói, cách viết lai căng sẽ ăn mòn trí óc và cách tư duy ngôn ngữ của nhiều người. Khi tư duy khác đi thì cách làm tất nhiên cũng phải khác đi; khi tiếng mẹ đẻ bị thay thế bằng tiếng nước ngoài thì nguy cơ mai một của văn hóa của dân tộc là không thể tránh khỏi. Ấn phẩm văn hóa đến với người đọc bằng con đường phổ cập; nếu ngôn ngữ được dùng ở đó lai căng sẽ trở thành “bệnh truyền nhiễm” rất nhanh. Một khi đại dịch về ngôn ngữ mà bùng phát rồi thì rất khó chữa trị.

Mỹ Dung ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo