Đó là hình ảnh của nhiều năm trước khi bọn trẻ nhà quê còn nhăm nhăm chờ quà Sài Gòn. Bây giờ tôi về, dù là ngày Tết rảnh rang hay có trống giong cờ mở, bọn nhóc cũng chẳng thèm bén mảng đến nữa.
Ấy chẳng phải vì xa cách, cũng không do ngại ngần mà bởi quà Sài Gòn dường như không còn đặc biệt như trước. Vẫn những bánh trái ấy, thậm chí còn ngon và nhiều hơn ngày trước, nhưng hình như thôi được chào đón. Chợt nghiệm ra thời buổi thông thương này, món gì ngon ở chỗ nào cũng sẽ được bán ở nơi kia. Đời sống dần khá lên, ăn một miếng ngon và lạ mỗi khi thèm, đối với người nhà quê giờ đây là chuyện nhỏ!
Xuống máy bay, tôi khệ nệ đưa giỏ xoài Hòa Lộc lên taxi, anh tài xế liền buột miệng: “Mua chi trong nớ cho nặng, lại tốn tiền cước, ngoài ni bán đầy”.
Hai chữ “bán đầy” đeo bám tôi suốt quãng đường từ sân bay về nhà. Cứ nhìn qua nhìn lại những quầy sạp ven đường rồi phóng mắt ngóng sâu vào chợ thị trấn. Kia rồi, mấy tấm biển con ghi “xoài Hòa Lộc”, nào “bưởi Năm Roi”, nào “vú sữa Lò Rèn”..., nhiều quá. Cạnh đó còn có vài người tay xách nách mang, như là dân đi làm ăn xa về, dừng lại mua, chắc để làm quà. Thế là anh tài xế nói đúng. Nhìn giỏ xoài, tự dưng thoảng buồn, rồi tự an ủi mình: “Quà mang từ phương xa về thì mới có ý nghĩa. Dân quê cốt quý nhau cái tình!”.
Cái tình ấy chính là tấm lòng thơm thảo. Vì vậy mà mỗi lần trở lại cố xứ, người đi xa về nhất định phải có quà.
MÀ NÓI LÀ “QUÀ SÀI GÒN” CHỨ NÀO PHẢI CỦA SÀI GÒN. Dường như ai mỗi lần rời Sài Gòn cũng đau đầu vì phân vân không biết mua món gì để làm quà. Nghe qua tưởng đùa bởi Sài Gòn nào thiếu thứ gì nhưng nghịch lý ấy là có thật. Ở Sài Gòn càng lâu càng nhận ra điều ấy đúng.
Sài Gòn là đất hội tụ. Hội tụ con người. Hội tụ sản vật. Món ngon vật lạ bốn phương đều đổ về đây nên chính vì thế mà Sài Gòn... chẳng có đặc sản nào cả. Món ăn thì của tứ xứ; cây trái thì của các tỉnh Tây Nam Bộ; nhiều món ăn làm quà xứ Bắc cũng đã vào Sài Gòn từ rất lâu. Quần áo, vải vóc cũng thế. Hơn 10 năm trước, tôi có chuyến sang Trung Quốc. Lúc ghé Vương Phủ Tỉnh - “thiên đường mua sắm” ở Bắc Kinh - săm soi mãi mới chọn được một chiếc áo ba đờ xuy (pardessus) đem về tặng người thân, giá quy đổi tiền Việt khi ấy khoảng 600.000 đồng. Lúc về Sài Gòn, khoe chiếc áo “ngoại”, bị cô bạn chọc quê: “Hàng Sài Gòn xuất qua đó ông ơi. Loại này chợ Bến Thành bán đầy, tầm 400.000 đồng/chiếc”. Nghe mà ngớ ra...
Cho nên, không dễ tìm “quà Sài Gòn” vì thứ gì Sài Gòn có thì ở các tỉnh, thành khác cũng đã có rồi, đem về khác nào chở củi về rừng. Chọn mua không khéo thì dễ rơi vào cảnh tặng rượu sakê cho người Nhật, trà cho người Hoa, vang cho người Pháp, bia cho người Đức, sô cô la cho người Thụy Sĩ...
Cũng bởi lẽ đó mà người ở Sài Gòn thích thưởng quà của xứ khác hơn. Ai ở Sài Gòn lâu ngày, là dân vùng miền nào đi nữa, mà chẳng khen lấy khen để khoanh chả bò thơm bùi từ Đà Nẵng đưa vào; mà không gật gù khi nhắm miếng thịt gà thả vườn phưng phức từ nhà quê gửi lên; mà chẳng tấm tắc với khô lóc vừa dai vừa ngọt từ miệt thứ đem về. Thích không chỉ vì phút khoái khẩu nhất thời, thích còn bởi chan chứa trong ấy là mảnh tình quê hồn hậu mà ai xa xứ cũng luôn cất giữ bên mình.
Chuyện quà, vì thế, chính là nếp văn hóa.
Bình luận (0)