Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM: Nên tự trang bị các kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng giao tiếp, tập kiềm chế xúc cảm...
. Phóng viên: Thời gian gần đây, dư luận đã lên tiếng nhiều về lối hành xử bạo lực của một bộ phận thanh thiếu niên trước những va chạm trong cuộc sống. Ông nhận xét gì về hiện tượng này?
- Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang: Những hành động dù tốt hay xấu đều liên quan đến nhận thức và hành vi của chủ thể. Cụ thể, việc một người ứng xử ra sao với các tình huống trong cuộc sống liên quan mật thiết đến quá trình hình thành nhân cách của cá nhân đó. Nhân cách con người qua thời gian được bồi dưỡng, được “nuôi lớn” bằng những điều mà cá nhân đó được tiếp xúc trong cuộc sống.
Nhân cách của thanh thiếu niên được hình thành trong ba môi trường: gia đình, học đường và xã hội. Nói cách khác, một đứa trẻ sẽ bắt chước những điều mà người lớn xung quanh, gần nhất là cha mẹ, đã ứng xử. Ví dụ, tôi đặt trường hợp xảy ra một vụ va quệt xe, trong đó có một người cha đang chở đứa con nhỏ; nếu người cha lớn tiếng la mắng người đã va chạm thì khả năng khi lớn lên đứa con cũng hành xử như vậy là rất lớn. Ngoài ra, đứa trẻ còn ảnh hưởng ở thầy cô, bạn bè và những gì được học, được thấy.
. Giới trẻ lớn lên trong thời đại bùng nổ truyền thông đã tiếp cận với nhiều loại thông tin, tích cực và tiêu cực, trong đó có các loại phim ảnh, game bạo lực... Điều này có ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách mà ông vừa đề cập?
- Đấy cũng là một trong những yếu tố thuộc về môi trường xã hội. Tiếp xúc với quá nhiều hành vi bạo lực cũng có thể làm quá trình hình thành nhân cách bị lệch lạc. Lứa tuổi thanh thiếu niên gắn liền với những thay đổi về tâm sinh lý, nhận thức xã hội. Đây là lứa tuổi tiếp thu rất nhanh những vấn đề thuộc về nhận thức, các giá trị văn hóa, kỹ năng sống. Sự lệ thuộc vào gia đình giảm dần, thay vào đó, họ sẽ mở rộng hơn các mối quan hệ bạn bè, muốn độc lập, muốn chứng tỏ bản thân.
Vì thế, họ cũng dễ bị tác động bởi những hình ảnh, sự việc thiếu lành mạnh hơn so với các nhóm đối tượng khác. Ngoài ra, việc sử dụng các chất kích thích cũng là nguyên nhân dẫn đến các hành động thiếu kiểm soát. Hiện thanh thiếu niên sử dụng bia, rượu, các chất ma túy tổng hợp... ngày càng nhiều. Chất kích thích khi đi vào cơ thể sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương, đến các vùng chi phối về cảm xúc, hành vi, tạo nên trạng thái hưng phấn bất thường. Khi đó, con người sẽ khó kiềm chế hơn trước các tình huống, dẫn đến mất kiểm soát trong hành vi.
Sinh hoạt tập thể lành mạnh, trao đổi và giúp nhau các kỹ năng là rất cần thiết và bổ ích cho các bạn trẻ. Ảnh: ANH THƯ
. Áp lực cuộc sống có phải là nguyên nhân có thể dẫn đến các hành vi mất kiểm soát?
- Đúng vậy. Tỉ lệ người bị stress đang ngày một tăng cao, nhất là ở các đô thị lớn. Nặng hơn là những vấn đề về tâm thần như căng thẳng thường xuyên, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm. Có nhiều nguyên nhân: do tiếng ồn, ô nhiễm, sự chật chội, áp lực chi tiêu, áp lực công việc... Đối với thanh thiếu niên, đó có thể là sự buồn lo về gia đình, áp lực học hành, thi cử, những rắc rối trong tình cảm...
. Theo ông, làm thế nào để hạn chế những khoảnh khắc mất kiểm soát, để không xảy ra những sự việc đáng tiếc?
- Cuộc sống muôn màu muôn vẻ với những tình huống hết sức đa dạng và bất ngờ. Để có thể xử lý các tình huống ấy một cách khôn ngoan và tỉnh táo, chúng ta nên tự trang bị các kỹ năng để có thể đối phó với chúng một cách uyển chuyển: kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng giao tiếp, tập kiềm chế xúc cảm...
Cần tránh stress vì đó là nguy cơ tiềm ẩn cho sự xuất hiện những bệnh thực thể khác như tim mạch, cao huyết áp. Cần cân bằng giữa công việc, học hành với khoảng thời gian dành cho nghỉ ngơi, giải trí, hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó, nếu phát hiện người thân của bạn có những biểu hiện bệnh lý tâm thần, những hành động, cách xử sự bất ổn, bị stress kéo dài... nên đưa họ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm.
Xác định khả năng nhận thức
Về những vụ án mạng nghiêm trọng mà báo chí đăng tải gần đây, trong đó bị can có những cách hành xử rất không bình thường (như người mẹ trẻ ném con mình xuống giếng, giết người chỉ vì một vụ va quệt xe, cháu giết ông ngoại xong rồi nói rằng: “Cháu nghĩ giết ông xong thì ông sống lại”...), thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang nói: Trong những vụ án có tính chất phức tạp, trong đó người gây án có những cách hành xử bất thường như giết người quá dã man, nói những điều ngây ngô, hoang tưởng về hành vi gây án... thì nên được đưa đi giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của đối tượng. Đó là một hành động cần thiết để phát hiện, đưa ra hướng điều trị cần thiết nếu họ thật sự mang bệnh, cũng như bảo đảm tính công bằng của luật pháp. |
Bình luận (0)