- TS Nguyễn Tùng Lâm: Có nhiều lý do. Tôi thấy rất nhiều giá trị đang thay đổi nhưng các bạn trẻ lại chưa được giáo dục một cách có bài bản, đồng bộ.
Một bộ phận đang có khuynh hướng khủng hoảng giá trị, tiếp thu những giá trị ảo, giá trị không phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Tôi thấy một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hiện nay ít hiểu biết về luật và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng thích ứng với tình huống bất ngờ nên có thể hành động nông nổi, thậm chí quá khích, quá khích đến mức mà chính họ cũng không nhận thức được. Chỉ một va chạm nhỏ, họ cũng sẵn sàng có thể lao vào đánh nhau, thậm chí giết nhau.
Ở một góc độ khác, nhiều bạn trẻ được đánh giá quá cao nên họ ngộ nhận về bản thân, dẫn đến có những hành vi vượt ngưỡng cho phép.
Thái độ sống thiếu bao dung, vị tha khiến người ta rất dễ có những hành động không kiềm chế được, người vị tha thường ứng xử dễ dàng trước những tình huống khó.
Có một điều nữa, là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, các bạn trẻ quan sát, chứng kiến điều “chướng tai, gai mắt” không được xử lý nghiêm nên họ mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào điều thiện và thử đi tìm một cách ứng xử khác thường.
Đó là chưa nói đến khá nhiều trường hợp, người lớn không gương mẫu trong sinh hoạt gia đình, trong việc thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Nhiều người lớn đã dập tắt tinh thần vì cộng đồng hoặc những nét tính cách tốt đẹp ở trẻ em ngay từ khi ngồi ghế nhà trường vì lối sống ích kỷ của mình.
Sinh hoạt tập thể lành mạnh sẽ giúp thanh thiếu niên ứng xử tốt hơn trong cuộc sống.
Trong ảnh: Con của CNVC-LĐ TPHCM tham gia trại hè Thanh Đa năm 2010. Ảnh: HỒNG ĐÀO
* Ông vừa nói các bạn trẻ chưa được giáo dục bài bản, phải chăng họ đang thiếu kỹ năng sống để ứng xử trong cuộc sống?
- Có hai nguồn hình thành kỹ năng sống, đó là kinh nghiệm (theo bản năng) và bao giờ cũng phải trả giá. Còn nếu được học hành theo những điều được tổng kết thì bao giờ cũng tốt hơn.
Khi nói đến bạo lực học đường, dư luận đã lên án nhà trường chỉ “dạy chữ” chứ không chú ý đến “dạy người”.
Bốn trụ cột mà UNESCO khuyến cáo cho giáo dục các nước ở thế kỷ 21, chúng ta mới tập trung làm được một: “Học để biết”.
Học sinh hầu như không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, các CLB, đội nhóm, nhằm rèn luyện kỹ năng, trau dồi nhân cách.
Tổ chức Đoàn – Đội trong nhà trường chưa phát huy hết vai trò là “một người bạn của thanh thiếu niên”, chưa quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống.
Từ đó, nhiều học sinh không có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, giải quyết những xung đột nảy sinh, tâm lý dễ xúc động, căng thẳng, thiếu kiềm chế.
Trên thế giới, người ta đã đi trước cả chục năm về giáo dục kỹ năng sống, châu Âu có cả “Hiến chương châu Âu vì trường học dân chủ không có bạo lực”, còn ta, bây giờ mới nhận thức được điều này. Tuy nhiên, các bài giảng về dạy người, dạy kỹ năng mềm, kỹ năng sống còn rất sơ sài, qua loa.
* Vậy theo ông, tăng cường giáo dục kỹ năng sống có giải quyết được tình trạng bạo lực trong giới trẻ hiện nay?
- Theo tôi, cần có nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là cải tiến nội dung, chương trình giáo dục đạo đức trong nhà trường.
Bên cạnh việc giáo dục hành vi ứng xử cho học sinh, Bộ GD-ĐT nên sớm đưa chương trình giáo dục giá trị sống vào chương trình học, một chương trình toàn cầu, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Đây là chương trình giáo dục phù hợp để giải quyết triệt để bạo lực học đường, chương trình sẽ giúp học sinh tôn vinh các giá trị “bình an”, “tôn trọng”, “trách nhiệm”, “yêu thương”, “đoàn kết”, “hợp tác”...
Thêm vào đó, theo quan điểm của tôi, cần phải buộc các học sinh chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Lâu nay chúng ta đã coi nhẹ mặt này.
Những học sinh tuổi vị thành niên, tuy không thể đưa ra tòa, nhưng luật pháp phải có hình thức giam giữ có thời hạn để giáo dục hay cải tạo lao động công ích.
Nếu đua xe trái phép mà chỉ bị giữ xe nhưng sau đó cha mẹ lại đến chuộc, còn bản thân người đua xe không có trách nhiệm gì hoặc trường hợp tụ tập bạn bè hành hung gây thương tích cho người khác, chỉ gửi về trường, về nhà để giáo dục thì các em không thể tự giáo dục, tự nhận thức và rút ra bài học cho bản thân. Để học sinh phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình là cách giáo dục thiết thực và hiệu quả.
Ông Bùi Quang Huy, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:
Giáo dục kỹ năng sống thông qua các CLB
Ngày càng nhiều bạn trẻ có biểu hiện sống thực dụng, thiếu quan tâm đến nhau, vi phạm kỷ luật, mắc vào những tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm hình sự với các tội danh hiếp dâm, giết người, cướp của... Để khắc phục, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đưa ra một loạt giải pháp như tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, mở rộng các buổi tọa đàm cho thanh thiếu niên để các bạn trao đổi, thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng học tập, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các CLB, đội, nhóm; mở rộng và phát triển các hoạt động tình nguyện, mô hình “Học kỳ trong quân đội”. Phát huy các điểm vui chơi, giải trí, các trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, các nhà thiếu nhi. Chúng tôi cũng đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng 10 trung tâm hoạt động dã ngoại trong toàn quốc. Chúng tôi xác định đây là điểm để Đoàn Thanh niên phối hợp cùng ngành giáo dục đẩy mạnh các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động giáo dục kỹ năng cho học sinh.
Th.An ghi |
Bình luận (0)